Cần tính toán mức thuế, thời điểm, lộ trình tăng phù hợp và khả thi
Ngành bia, rượu giữa “muôn trùng vây” |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Hội thảo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã đề cập những tác động và đưa ra các giải pháp khi Bộ Tài chính đề xuất áp dụng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, theo số liệu được Oxford Economic đưa ra, ngành bia đóng góp 555 USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỷ USD tiền thuế cho các Chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019.
Còn theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương trực thuộc Bộ Công thương, mặc dù ngành bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động, nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.
Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, trong điều kiện doanh nghiệp còn khó khăn, các cơ quan cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế và người tiêu dùng.
Ở góc độ chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, ngoài khó khăn chung và chịu tác động của kinh tế thế giới, doanh nghiệp ngành đồ uống đang đối mặt với những khó khăn như không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn; dịch COVID-19 và các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí… kéo dài; Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính vi phạm nồng độ cồn; chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40%.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực |
Cùng với đó là tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp; Lối sống, hành vi tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp ngành phải thích ứng.
Theo ông Lực, tác động của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể tăng thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Qua đó giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.
Ngoài ra, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống.
Với những bất cập nêu trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi. Việc làm này tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn…
Bên cạnh nhiệm vụ trên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, các cơ quan soản thảo cần tính toán đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả; nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và doanh nghiệp; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương…
Nghiên cứu về đồ uống có cồn, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, còn thất thu ở khu vực sản xuất kinh doanh phi chính thức.
Cần tính toán cụ thể tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia đối với ngân sách, phải tính đúng, tính đủ toàn bộ các nguồn thu Ngân sách Nhà nước... |
Với bất cập trên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia đối với ngân sách, phải tính đúng, tính đủ toàn bộ các nguồn thu Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, cần đảm bảo công bằng xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.
Ngoài ra, dự thảo cần đánh đánh giá toàn diện vai trò, thực trạng hoạt động của ngành rượu và bia; tác động cụ thể, thấu đáo của từng đề xuất, để lựa chọn hướng đề xuất phù hợp nhất với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và doanh nghiệp; cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý để đạt được các mục tiêu. Trong bối cảnh ngành rượu bia đang gặp khó khăn kép, không tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân
PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất xem xét lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, cơ quan quản lý bắt đầu tăng từ 2027, tăng 5% cách nhau 2 năm và dừng lại 80%, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
Bên cạnh đó là rà soát lại công tác thực thi pháp luật về quản lý rượu bia phi chính thức. Ngoài thuế, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia.