Cảnh báo nạn buôn lậu thuốc tân dược, thực phẩm chức năng qua đường hàng không
Hà Nội: Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn phức tạp với nhiều chiêu thức, thủ đoạn |
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), thời gian qua, đường dây nóng của cơ quan này nhận được nhiều phản ánh về hiện tượng một số các nhân, tổ chức lợi dụng tình hình dịch bệnh Covi-19 diễn biến phức tạp ở trong nước để buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, sữa từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không với số lượng lớn.
Đáng nói, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi. Về tổ chức, các họ thành lập các công ty bên nước ngoài đứng ra thu gom hàng hóa của các tổ chức, cá nhân người Việt tại đây rồi thông qua các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa để đưa về Việt Nam.
Sau đó, các doanh nghiệp logistic trong nước là đầu mối với vai trò người nhận hàng cho số hàng hóa trên vào Việt Nam trên vận đơn. Đặc biệt, để tránh sự phát hiện, các đối tượng hình thành chuỗi thu gom hàng và vận chuyển cả đầu nước ngoài lẫn trong nước.
Khi làm thủ tục hải quan, các đối tượng không khai báo các mặt hàng thuốc tân dược, thực phẩm chức năng mà khai báo các mặt hàng thông thường (không cần có điều kiện nhập khẩu).
Mặt hàng thuốc tân dược nhập lậu |
Được biết, các mặt hàng mà các đối tượng buôn lậu hiện nay thông thường là thuốc tây như thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc kháng sinh, Vitamin, sữa bột trẻ em... tất cả đều không có giấy phép nhập khẩu.
Theo phản ánh trên, mỗi Air Waybill (vận đơn) có khoảng từ 1.500 kgs đến 3.500kgs được đóng thành nhiều pallet (kệ kê hàng), mỗi pallet khoảng 350- 500 kg. Trên các Air Waybill hàng hóa được khai báo chung chung là “GNERAL CAGO” (hàng hóa thông thường).
Mặt khác, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng gửi hàng vào các chuyến bay không bay thẳng về Nội Bài (Hà Nội) hoặc TP HCM mà thông thường được nối chuyến từ Taipei (Đài Bắc).
Một thủ đoạn khác nữa là mặt hàng thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nêu trên được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức quá cảnh hàng hóa được gửi qua các chuyến bay của các hãng hàng không như China Air; Singapore Air; Cathay Pacific xuất phát từ Sydney (Úc) và được nối chuyến từ Taipei, Singapore hoặc Hongkong để về Nội Bài (Hà Nội). Các chuyến bay này đều có điểm xuất phát từ Sydney.
Vì vậy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, các lực lượng chức năng chống buôn lậu cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chuyến bay xuất phát từ Sydney về Việt Nam có nối chuyến qua Taipei, Singapore hoặc Hongkong bằng cách thông qua các thiết bị giám sát hải quan nhằm phát hiện các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn vi phạm để tập trung xác minh, làm rõ, không để hình thành đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Bên cạnh đó, lực lượng chống buôn lậu cần làm tốt công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan, trong đó tập trung công tác nắm tình hình trong địa bàn kiểm soát, kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, cá nhân có rủi ro cao trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa để đề ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm pháp luật về hải quan.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng trong nội địa (công an, quản lý thị trường) tăng cường công tác quản lý địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không có nguồn gốc, xuất xứ trên các trang mạng thông qua thương mại điện tử và các nhà thuốc truyền thống.
Đặc biệt, các đơn vị cần phát huy hiệu quả trong công tác trao đổi thông tin, tổ chức theo dõi, giám sát phát hiện bắt giữ các trường hợp vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu các mặt hàng thiết yếu nêu trên trong thời điểm diễn ra dịch bệnh hiện nay.