Cảnh báo vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Tâm Đường, Mộc Mao
Ngày 18/3, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua trên một số website: https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/moc-tam-duong/; https://quaythuocvienquany.com/thuoc-tot/vien-uong-moc-tam-duong-ho-tro-ha-duong-huyet.html; https://vivita.vn/moc-tam-duong... đăng nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Tâm Đường vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh (Địa chỉ: Số 119 phố Nguyễn Trãi I, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sản xuất và Công ty Cổ phần PT&TM Tây Bắc (địa chỉ: Số nhà 84, Tổ dân phố 6, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Tâm Đường |
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên một số website, đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra cảnh báo thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao trên một số website: https://www.xn--thaoduocgiatt-0lb.vn/tocmocmaochinhhang?utm_source=coccoc_context&utm_medium=CPC&utm_campaign=T%C3%B3c%20M%E1%BB%99c%20Mao&utm_term=m%E1%BB%99c%20mao&utm_content=39529679&md=_0y7e50vdaa*Cr3AgI3z7zpVGa3SZtPOuzfxFlES3IR92sT1q*s3*DX0y4p9zqE8LaDdcQrojLK0dwJtyiDaI5nmyVRqvlQbgK2vSgtpwuj5-w*ghE99-XRg; https://www.suckhoevasacdep24h.com... đăng nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao, Viên sủi Mộc Mao vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao (Ảnh chụp màn hình) |
Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Bigfa (địa chỉ: KCN Lương Sơn, Km36, QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất và Công ty TNHH Thương mại Tubi (địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà Zen Tower, số 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022" diễn ra ngày 10/3 vừa qua, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong thừa nhận việc nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...
Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Đối với trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của cục và thông báo để các phương tiện truyền thông đưa tin.
Về giải pháp hạn chế và xử lý trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm kiến nghị hiện nay có tình trạng chỉ chú trọng giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, còn kiểm duyệt nội dung quảng cáo vẫn lơ là, cơ quan phát hành cần lưu ý...
Ông Phong cũng cảnh báo nhiều người nghe tin theo các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng, các phương pháp điều trị truyền miệng mà không tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, đến khi uống thực phẩm chức năng, thực phẩm quảng cáo mà không khỏi bệnh, mới quay lại làm theo hướng dẫn thì đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh.