Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người lao động
Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm, pháp luật lao động, báo Lao động Thủ đô đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến giải đáp vướng mắc về chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động nhằm mang lại những kiến thức quý báu cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong việc chăm sóc sức khỏe sau COVID-19 và nắm bắt các chế độ, chính sách mới liên quan đến quyền lợi của NLĐ.
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có đồng chí: Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội.
Các đại biểu tại buổi giao lưu Đối thoại về chính sách mới và chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người lao động |
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: “Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đời sống, việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do số đông NLĐ đã mắc COVID-19 nên việc chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 nói riêng cũng là những vấn đề đang được quan tâm. Tại buổi giao lưu, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chế độ chính sách và y tế sẵn sàng trả lời những những câu hỏi, những vấn đề mà bạn đọc, đặc biệt là đoàn viên, NLĐ bị nhiễm COVID-19 cần tìm hiểu liên quan đến chế độ, chính sách, chăm sóc sức khỏe”.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ Nguyễn Văn Vinh, hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, Luật Lao động, tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách việc làm, tiền lương, hợp đồng lao động, BHXH, tranh chấp lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) và đại diện công nhân lao động.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, LĐLĐ quận đã phối hợp với các phòng, ban ngành của quận tham gia tổ thẩm định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Tính đến nay, gần 27.000 người lao động trên địa bàn quận được hỗ trợ với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng.
Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội trao quà cho đoàn viên công đoàn |
Tại buổi giao lưu, nhiều người đã đặt câu hỏi liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng khi NLĐ mắc COVID-19 và việc đi khám hậu COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm ô xy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết: "Sau khi mắc COVID-19, nhiều người rất hoang mang với những triệu chứng còn lại của bệnh, có thể kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên lo lắng quá, nhiều khi chính sự lo lắng thái quá làm cho sức khỏe kém hơn.
Để sức khỏe được đảm bảo, những người nên đi tầm soát sau COVID-19 là: Những người trên 65 tuổi có nguy cơ cao; Những người chưa tiêm đủ vắc xin; người có bệnh nền (tăng huyết áp, tiểu đường, suy gan, suy thận, ung thư, bệnh về máu, bệnh sử dụng thuốc miễn dịch lâu dài); Người bị COVID-19 có diễn biến nặng; Người sau khi khỏi COVID-19 nhưng các triệu chứng vẫn nặng lên, kéo dài ảnh hưởng đến công việc.
Khi đi tầm soát, mọi người nên đi khám những vấn đề sau: Chụp X quang tim phổi; đo chức năng hô hấp; đánh giá chức năng tim mạch, chức năng thận, chức năng gan; khám nội thần kinh. Ngoài ra, có thể khám một số chỉ số chuyên sâu như xét nghiệm đông máu, xét nghiệm viêm mãn tính…".
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng Phòng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết thêm: "Người lao động bị mắc khi mắc COVID-19 được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán chế độ theo chế độ đau ốm.
Việc người lao động cần đi khám sau COVID-19, cơ quan BHXH cũng sẽ thanh toán chế độ này tuy nhiên phải có chỉ định bệnh của bác sĩ và triệu chứng rõ ràng, cụ thể. Tùy vào số năm công tác mà người lao động có số ngày nghỉ được thanh toán BHXH, với 15 năm công tác thì tối đa 30 ngày, từ 15-30 năm công tác là 40 ngày và trên 30 năm công tác là 60 ngày".