Chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động
Triển khai khám sức khoẻ miễn phí
Nằm trong chuỗi hoạt động nhân Tháng Công nhân 2023, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã tổ chức hoạt động khám sức khỏe, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho khoảng 500 công nhân lao động.
Đây là hoạt động được sự đồng hành, hỗ trợ của bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sự phối hợp chuẩn bị của Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức khám sức khỏe tập trung cho 500 công nhân tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai |
Tại chương trình, công nhân lao động của 18 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai được đội ngũ y, bác sỹ giỏi chuyên môn của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám chuyên khoa phụ sản, tầm soát ung thư; tư vấn, kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị và những trường hợp nếu phát hiện bệnh nặng sẽ được giới thiệu đến các cơ sở y tế để điều trị. Đồng thời, công nhân lao động được truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tiền hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình…
Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mang tới đây trọn vẹn 6 phòng khám, trong đó có 3 phòng khám phụ khoa, 3 phòng siêu âm; Huy động 45 nhân lực y tế, 15 bác sĩ, trong đó có 8 bác sĩ là lãnh đạo các khoa phòng.
Chúng tôi hy vọng công nhân lao động các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ được trải nghiệm trọn vẹn dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng của một bệnh viện có chất lượng đầu ngành, ngay tại địa bàn của mình”.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động này, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội mong muốn ngoài việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp tục quan tâm phối hợp cùng tổ chức Công đoàn tích cực chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cũng như quan tâm đến sức khỏe cho người lao động; Tăng cường giáo dục sức khỏe, sức khỏe sinh sản… cho công nhân lao động bằng nhiều hình thức phù hợp; Góp phần giúp công nhân lao động có sức khỏe, tinh thần tốt, nâng cao năng suất lao động, chất lượng của sản phẩm, cũng như giúp người lao động tin yêu, gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Triển khai công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp
Theo quy định hiện hành các đơn vị sử dụng lao động phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 1 năm/lần, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tuy nhiên, mặc dù rất quan tâm đến sức khỏe nhưng do công việc bận rộn, đời sống người công nhân còn nhiều thứ phải chắt chiu, lo toan nên thông thường chỉ khi nào có biểu hiện khác lạ về sức khỏe, họ mới nghĩ tới chuyện đi khám chứ không mấy ai chủ động đi khám sức khỏe định kỳ.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp nhỏ lẻ chưa quan tâm đến việc khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân hoặc tìm cách “né”, tổ chức khám sơ sài để đối phó với các cơ quan chức năng.
Các đơn vị triển khai chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp |
Người lao động không được trang bị bảo hộ lao động để tránh khói bụi, tiếng ồn. Thậm chí, một số doanh nghiệp không quan tâm đến việc quan trắc môi trường lao động. Do đó, các yếu tố độc hại trong quá trình làm việc đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe lâu dài của người lao động, nhất là các bệnh nghề nghiệp như điếc, viêm phổi...
Nhiều năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội là đơn vị thường trực về chuyên môn trong công tác y tế lao động trên địa bàn thành phố; Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên môn về công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp; Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị y tế và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn thành phố.
CDC Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 401/KH-KSBT về triển khai công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động thành phố Hà Nội năm 2023.
Theo đó, CDC Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách y tế lao động tuyến quận, huyện về giám sát môi trường lao động, quản lý bệnh nghề nghiệp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, lập hồ sơ quản lý môi trường lao động, thống kê, báo cáo, thu thập thông tin cơ sở lao động, làng nghề.
Về hoạt động chuyên môn, các đơn vị tiếp tục cập nhật danh sách và phân loại các cơ sở lao động, làng nghề có nguy cơ tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đưa vào danh sách quản lý và tổ chức giám sát việc thực hiện vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp của các cơ sở lao động theo phân cấp trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị cũng tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn cho các cơ sở lao động có nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động. phòng chống bệnh nghề nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu ban đầu tại cơ sở lao động có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Hỗ trợ tập huấn về quản lý vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp và an toàn phòng chống dịch bệnh cho cán bộ an toàn, nhân sự, y tế của cơ sở lao động.
Về công tác kiểm tra, giám sát, CDC Hà Nội tổ chức giám sát việc thực hiện quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động theo phân cấp trên địa bàn thành phố; Tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.