Chàng trai Hà thành hai lần tình nguyện vào tâm dịch
Tuyên truyền lưu động về pháp luật và công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh: Không để mầm bệnh phát triển thành ổ dịch Mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 |
Những đêm không ngủ...
Vừa rời điểm nóng dịch Covid-19 ở Bắc Ninh, Nguyễn Văn Mạnh, đoàn viên Chi đoàn tổ dân phố 17 phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) lại lên đường “tiếp sức” tỉnh Bình Dương. Mạnh cho biết, là người theo học ngành y, đất nước cần không có lý do gì ngồi yên.
Từ sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Ninh, Mạnh được chuyển sang Trung tâm y tế tỉnh và được điều về phụ trách khu cách ly tập trung những người thuộc diện F1. Cả khu cách ly chỉ có Mạnh và một bác sĩ chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho hơn 200 người nên công việc khá áp lực. Hằng ngày, chàng trai trẻ tới từng phòng lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách những người nghi mắc bệnh gửi CDC tỉnh Bắc Ninh.
Bạn trẻ Nguyễn Văn Mạnh |
“Rất nhiều đêm, mình cũng như các y, bác sĩ khác không ngủ, đi từng phòng theo dõi, kiểm tra để chắc chắn không có ai diễn tiến nặng. Chúng mình cũng không bao giờ dám để điện thoại hết pin, sợ bệnh nhân gọi mà không liên lạc được. Có những hôm vừa đặt lưng xuống vì quá mệt mỏi lại bật dậy vì bệnh nhân gọi. Dịch bệnh phức tạp, chúng mình càng nỗ lực để bảo vệ sức khỏe cho người dân”, Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ. |
“Mình nhớ một gia đình 6 người gồm ông bà, bố mẹ và hai đứa con vào cách ly tập trung. Sau một tuần, cả gia đình có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trừ bé gái gần 3 tuổi. Bé nhìn cả nhà lên xe đến bệnh viện dã chiến điều trị với ánh mắt đẫm buồn. Có khi bé ngồi thẫn thờ khiến chúng mình cảm thấy rất xót xa. Sau này, bà ngoại bé tình nguyện trở thành F2 vào khu cách ly chăm sóc cháu”, Mạnh kể.
Đó là một trong nhiều câu chuyện mà Mạnh tận mắt chứng kiến trong 3 tháng làm việc tại Bắc Ninh. Khi tình hình dịch được kiểm soát, Mạnh trở về nhà thực hiện cách ly y tế. Chàng trai trẻ có nhiều thời gian lên mạng internet hơn nên nắm được thông tin dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… Đặc biệt, hình ảnh đồng nghiệp căng mình chống dịch khiến Mạnh một lần nữa quyết tâm lên đường chống dịch.
Tổ quốc cần không thể ngồi yên
“Mình học ngành Y và đây là lúc cần những người như mình phát huy kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được. Hơn nữa, mình là một đoàn viên, thanh niên, đất nước cần không có lý do gì để ngồi yên”, Mạnh chia sẻ.
Mạnh lên đường vào Nam ngay sau vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Ninh khiến bố mẹ rất lo lắng và có ý phản đối quyết định của con. Tuy nhiên, sau khi Mạnh thuyết phục, bố mẹ đã đồng ý, động viên chàng trai lên đường.
Nguyễn Văn Mạnh (ngoài cùng bên phải) cùng y, bác sĩ, tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19 |
Dù đã trải qua 3 tháng chống dịch ở Bắc Ninh nhưng khi vào Bình Dương, Mạnh vẫn cảm thấy bị sốc. Dịch bệnh căng thẳng, số ca mắc tăng hàng nghìn mỗi ngày. Sau một thời gian tham gia lấy mẫu, truy vết trong cộng đồng, chàng trai trẻ về làm việc ở bệnh viện dã chiến, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân F0.
Mạnh phải thích nghi với guồng quay làm việc mới áp lực, căng thẳng hơn. Chàng trai trẻ cùng các y, bác sĩ khác làm việc liên tục trong nhiều giờ. Phút nghỉ ngơi của họ là được cởi bộ đồ bảo hộ, ăn vội miếng cơm, uống nước để nạp năng lượng cho một ngày dài mệt mỏi. Làm việc tại đây, Mạnh càng thấy xót xa trước sự khốc liệt của dịch bệnh.
“Có những ca bệnh diễn tiến quá nhanh khiến chúng mình không kịp trở tay. Chỉ một phút trước, khi mình đi kiểm tra từng giường bệnh người đó vẫn thở bình thường. Mình còn chưa kịp ra khỏi phòng người đó đã khó khở, cần cấp cứu gấp. Dù mình đã rất nhanh tiêm thuốc, ép tim, bóp bóng… nhưng người đó vẫn ra đi ngay trên tay mình”, giọng Mạnh trầm buồn kể.
Những gì Mạnh đã trải qua quá khủng khiếp nhưng nó cũng khiến chàng trai sinh năm 1998 này thêm bản lĩnh đối đầu với dịch bệnh giành sự sống cho bệnh nhân. Mạnh cũng thấy vững tin, thêm động lực chiến đấu hơn khi cảm nhận rõ tình người trong gian khó. Nơi bệnh viện dã chiến không chỉ có dịch bệnh mà cao hơn là tình đoàn kết, sẻ chia giữa mọi người.
Niềm vui, hạnh phúc của Mạnh là được viết giấy ra viện cho những bệnh nhân đã được chữa khỏi. “Mình muốn viết mãi, viết bao nhiêu cũng được, bởi khi đó dịch bệnh không còn, mọi người sẽ trở về với cuộc sống bình thường. Đó cũng là hạnh phúc đối với những tình nguyện viên như mình”, chàng trai trẻ tâm sự.