Chắp cánh cho vải thiều Việt Nam "bay xa"
Người dân ở Pháp chuộng vải thiều Việt Nam Vải thiều Việt Nam thêm “cánh cửa” xuất khẩu sang Nhật Bản |
Hai "vựa vải" lớn nhất cả nước đã sẵn sàng
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương - hai "vựa" vải lớn nhất cả nước cùng với các cơ quan liên quan đã tính toán các phương án để xuất khẩu, để mùa vải thiều 2022 được cả mùa và giá.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2022 chất lượng cao đồng đều do thời tiết thuận lợi và tỉnh đã có kinh nghiệm về kiểm soát các mã vùng trồng.
Cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ 70 - 90%. Sản lượng thu hoạch vải thiều tại Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 180.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP khoảng 112.900 tấn (chiếm 62,7% tổng sản lượng vải).
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 18 mã vùng trồng với diện tích 218ha vải thiều, sản xuất, cung cấp cho thị trường Mỹ, EU, Australia. Thị trường Nhật Bản có 30 mã số vùng trồng, diện tích hơn 269 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn.
Năm 2022, bên cạnh các thương nhân trong nước và các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Singapore... tỉnh Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Người dân thu hoạch vải thiều |
Đối với tỉnh Hải Dương, năm 2022, tỉnh này hiện có 8.900ha vải. Trong đó, Thanh Hà 3.250ha, thành phố Chí Linh 3.400ha, các huyện, thành phố, thị xã còn lại 2.250ha.
Trà vải sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 1/5, thu hoạch rộ từ ngày 25/5 - 5/6 với sản lượng ước trên 35.000 tấn; trà vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ 10 - 6, thu hoạch rộ từ 15 - 25/6 với sản lượng ước trên 25.000 tấn.
Đáng chú ý, tỉnh Hải Dương cũng có 598ha diện tích vải sản xuất an toàn với sản lượng dự kiến 6.000 tấn… Đánh giá ban đầu cho thấy quả vải thiều Thanh Hà, đặc sản của tỉnh Hải Dương năm nay có mẫu mã, chất lượng tốt hơn những năm trước.
Những năm qua, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tiêu thụ.
Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore...
Bộ Công thương đồng hành cùng địa phương
Hiện nay, cơ quan hữu trách của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đang nỗ lực phối hợp với các địa phương có cửa khẩu và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương trong công tác xúc tiến thương mại, đưa vải thiều Việt Nam ra nước ngoài, chinh phục những thị trường mới.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được xuất khẩu đi Nhật Bản |
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.
Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực cùng các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường,
Trong đó, Bộ Công thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa các sản phẩm của Việt Nam vào đa dạng hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới; tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương, Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước; Đồng thời, phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản, thu hút sự tham gia của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, để góp phần đưa nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.