Cháy rừng Amazon gây hại đến sức khỏe trẻ em
Những cột khói mù mịt bốc lên từ rừng mưa lớn nhất hành tinh. Ảnh: AFP
Bài liên quan
“Lá phổi” của hành tinh đang lâm nguy
Rừng Amazon cháy vì... thế giới ăn quá nhiều thịt
WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về hạt vi nhựa và ô nhiễm
WHO cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát toàn cầu
Cứ 40 giây thế giới lại có một người tự tử
Phát hiện virus tả lợn châu Phi tại Philippines
Hàng ngàn người chết trong các cuộc chiến ma túy
Bà Maria Neira, Giám đốc Trung tâm Y tế công cộng, môi trường và các vấn đề xã hội của WHO cho biết đã nhận được một số báo cáo của các cơ sở y tế địa phương về việc gia tăng lượng người mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em.
Những người dân sống gần khu vực xảy ra cháy rừng Amazon đã kịp thời được sơ tán và không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, những người bị các bệnh về đường hô hấp mãn tính như hen suyễn trở nên nghiêm trong hơn nếu sống trong bầu không khí ô nhiễm. Họ có nguy cơ cao bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp do hít phải khói từ các đám cháy.
Tiến sĩ Diana Gall của tổ chức Doctor4U chia sẻ: “Con người hít vào rất nhiều phân tử hóa chất và khí có hại. Chúng có thể phá hủy đường hô hấp và gây tắc nghẽn nguồn cung cấp khí oxy trong cơ thể”.
Các bệnh viêm phế quản mạn tính, tắc nghẽn phổi, hen suyễn… cũng diễn biến trầm trọng hơn khi bệnh nhân hít phải khói bụi độc hại. Việc phơi nhiễm lâu dài với khói bụi sẽ dẫn tới tình trạng phổi bị nhiễm trùng. Bệnh nhân nặng có nguy cơ phải dùng máy thở suốt đời.
Mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ gần và cường độ bụi. Do các đám cháy giải phóng các chất ô nhiễm bao gồm các hạt vật chất và khí độc như carbon monoxide, nitơ oxit và các hợp chất hữu cơ không chứa metan vào khí quyển nên WHO cảnh báo các phân tử gây ô nhiễm sẽ tồn tại một thời gian dài tại những khu vực xảy ra cháy.
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), chỉ riêng trong tháng Bảy vừa qua, hơn 2.250ha rừng Amazon đã bị tàn phá, tăng 278% so với cùng kỳ năm ngoái.
Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu ki-lô-mét vuông, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp.
Được xem là “lá phổi xanh của hành tinh”, rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên trái đất và là nơi sinh sống rất nhiều loài động, thực vật được biết đến trên thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo, rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc thế giới mất đi một phần đa dạng sinh học. Mặt khác, điều đáng lo ngại hơn cả là việc rừng liên tục mất cũng gây ra những biến động đáng kể đối với khí hậu, nhất là lượng mưa tại khu vực. Nếu tình hình không sớm được khắc phục, hệ sinh thái Amazon sẽ bị ảnh hưởng đến mức không còn phù hợp để sinh sống, cây rừng chết khô dần. Cuối cùng, toàn bộ rừng rậm Amazon sẽ chết mòn, xóa sổ sự sống của hàng triệu loài động, thực vật. Đến lúc đó, con người không thể cứu vãn.