Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ốm sốt
Những loại thực phẩm trẻ không nên ăn khi ốm sốt
Nhiều nguyên nhân khác nhau gây sốt ở trẻ em như: Một số bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm phế quản, thanh quản, viêm phổi cấp tính); do phản ứng của cơ thể khi gặp yếu tố lạ hoặc phản ứng của cơ thể để sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Ví dụ như sốt nhẹ sau khi tiêm vaccine, sốt khi trẻ mọc răng, say nóng, say nắng...
Khi bị ốm sốt trẻ thường có xu hướng bỏ ăn |
Chị Đặng Mai Chi (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Tôi rất lo lắng mỗi khi hai con nhỏ thay nhau bị ốm sốt. Nếu bình thường khi hai cháu khoẻ thì rất tự giác ăn uống. Tuy nhiên, khi ốm sốt con thường bỏ ăn, người mệt lả đi. Tôi càng cố ép con thì con càng sợ ăn, thậm chí ăn đến đâu nôn ra đến đấy. Nhiều khi vừa phải dỗ dành, động viên con cố ăn để còn uống thuốc hạ sốt".
Đây cũng là băn khoăn của nhiều bà mẹ khi con nhỏ bị ốm, chuyện ăn uống của con cũng cần thực hiện như thế nào để giúp bé vượt qua thời gian mệt mỏi, nhanh chóng hồi phục.
Nếu chỉ ốm vặt, trẻ sẽ nhanh chóng trở lại với nhịp sinh hoạt và ăn uống bình thường, nhưng những đợt ốm lâu có kèm theo ho, sốt hoặc tiêu chảy thì chuyện ăn uống của trẻ nhỏ sẽ vô cùng vất vả.
Do đó, trong thời gian bé bị ốm, phụ huynh cần chú ý cách chăm sóc dinh dưỡng cũng như cách chế biến cần phù hợp với các bé.
Tùy vào thể trạng và độ tuổi mà các cha mẹ có thể lựa chọn những món ăn phù hợp với con mình. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm phụ huynh không nên cho con ăn khi con bị ốm.
Trứng là một loại thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. Tuy nhiên, các bà mẹ không nên cho trẻ ăn trứng khi bị sốt. Vì trứng chứa nhiều protein nên sau khi ăn sẽ sinh ra nhiều nhiệt.
Đối với trẻ đang bị sốt, ăn trứng sẽ khiến cơ thể khó tản nhiệt, dẫn đến sốt cao hơn và lâu khỏi hơn. Vì vậy, trẻ bị sốt không nên ăn trứng mà nên uống nhiều nước, rau tươi và hạn chế ăn nhiều đạm.
Nếu trẻ bị sốt và người lớn cho uống quá nhiều nước lạnh, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Thậm chí, việc uống nước quá lạnh cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nhất là khi đang sốt do nhiễm trùng, chức năng của đường tiêu hóa hoạt động kém đi nhiều so với bình thường.
Mật ong là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu cho bé ăn quá nhiều mật ong khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng lên. Đồng thời, vị ngọt của mật ong sẽ cản trở khả nang tiêu diệt vi khuẩn của bạch cầu.
Mẹ không nên cho trẻ uống nước ngọt, nước ép hoa quả như nước cam, dưa hấu hay các loại đồ ngọt có nhiều đường khi trẻ đang sốt. Do khi đường đi vào cơ thể, nó sẽ làm chậm quá trình các tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn.
Khi sốt, bộ máy tiêu hóa của trẻ yếu hơn bình thường. Các loại thực phẩm như thịt đỏ, cá, tôm, cua, sò, ngao và các loại thịt khác chứa nhiều cholesterol sẽ gây khó tiêu.
Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ bị ốm, phụ huynh nên chú ý lựa chọn các món ăn do gia đình chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thay vì lựa chọn các loại thực phẩm bán sẵn, đồ ăn nhanh có nguy cơ chứa nhiều chất bảo quan, mất vệ sinh.
Cách chế biến những món ăn cho trẻ khi sốt, mệt
Khi bị ốm sốt, trẻ thường có biểu hiện chán ăn, quấy khóc do cơ thể mệt mỏi. Nhiều bố mẹ chăm con ốm thường loay hoay chẳng biết trẻ bị sốt nên ăn gì cho mau khỏi.
Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin như trái cây giúp trẻ nhanh phục hồi sức khỏe |
Cháo là một món ăn dễ chế biến nhưng giàu dinh dưỡng, nhất là khi trẻ mệt mỏi, đây là món ăn rất “dễ trôi”, dễ ăn so với các món ăn cứng, khó nhai.
Do đó, các mẹ có thể thử nấu cháo trứng gà tía tô, cháo đậu xanh, cháo thịt bò cà rốt …bồi bổ cho con.
Cháo cũng là món ăn ít calo nhưng giàu dinh dưỡng, nhất là khi kết hợp với các gia vị như hạt tiêu, tỏi, thì là sẽ có ích trong trường hợp sốt do cảm cúm.
Súp gà cũng là món ăn này khá dễ tiêu và đặc biệt là thành phần cysteine trong thịt gà có tác dụng chống virus rất tốt.
Quả mọng và nhóm trái cây họ cam chanh như cam, bưởi, việt quất, mâm xôi đều là những loại hoa quả giàu vitamin C và flavonoid thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây sốt.
Nước gừng giúp hạ sốt, chống viêm và giúp bé tỉnh táo hơn. Các bà mẹ nên pha nước gừng bằng cách đun sôi vài lát gừng tươi khoảng vài phút, lọc lấy nước, để nguội rồi cho bé dùng ngay.
Nước dừa cũng là nguồn cung cấp chất điện giải (đặc biệt là kali) sẽ bù nước cho cơ thể trẻ bị sốt, giúp bé nhanh lành bệnh.
Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể trẻ cần để phục hồi. Sữa chua cũng là một món ăn có lợi khi trẻ nhỏ bị ốm hoặc sốt, chúng sẽ giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, giúp cơ thể khỏe hơn, tiêu hóa tốt hơn, tránh mắc thêm các bệnh khác.