Chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Chị Lê Thùy Linh (Long Biên, Hà Nội) có hỏi: Tôi vừa nghỉ chế độ thai sản 6 tháng, ngày 1/8 tôi quay trở lại làm việc nhưng không đủ sức khỏe nên muốn xin nghỉ thêm. Vậy chế độ dưỡng sức sau sinh của tôi có cần giấy chứng nhận không đủ sức khỏe làm việc của bệnh viện không?
Liên quan đến vấn đề chị Lê Thùy Linh quan tâm, Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xin được trả lời như sau:
Về điều kiện hưởng và mức hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về việc quy định lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày.
Ảnh minh họa |
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Về thủ tục hồ sơ: Căn cứ khoản 1, Điều 103 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014; điểm 2.4, khoản 2, Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB) và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Như vậy, căn cứ những quy định nêu trên, trường hợp lao động nữ quay trở lại làm việc nhưng không đủ sức khỏe có thể nghỉ thêm để hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh. Thời gian nghỉ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định không cần giấy chứng nhận không đủ sức khỏe làm việc của bệnh viện.