Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội
Hà Nội khúc giao mùa “Chiếc áo pháp lý” của Thủ đô cần được nới rộng hơn Hà Nội cần cơ chế mới tương xứng với vai trò và trách nhiệm |
Dự kiến lập 2 thành phố trực thuộc Hà Nội
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, Chính phủ đề xuất cho Hà Nội thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng được đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Hồ Hoàn Kiếm, một trong những biểu tượng của Hà Nội |
Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định một số nội dung đặc thù.
Cụ thể, HĐND thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện và được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ có một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; hỗ trợ các cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.
HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan trực thuộc.
Tăng quyền cho Hà Nội
Cũng tại tờ trình, Chính phủ đề xuất cho Hà Nội được quản lý cán bộ thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.
Chính phủ đề xuất tăng quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội |
Đồng thời cũng quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...
Tương tự cơ chế áp dụng cho TP HCM, dự thảo luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.
Dự thảo luật cũng quy định phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP Hà Nội.
Đơn cử, HĐND TP Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng... Cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư… nhằm kêu gọi đơn vị có năng lực tham gia vào thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, TP HCM).
Cùng với đó, dự thảo luật cũng quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp…