Chính sách phải đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Hà Nội tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp Phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái |
Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế
Phát biểu thảo luận sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) cho rằng, báo cáo của Chính phủ có nêu nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Chính phủ đánh giá năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc “được mùa - mất giá” và nhiều đợt “giải cứu nông sản” như thời gian qua.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nội tại của ngành nông nghiệp, trước hết phải tạo cơ chế thông thoáng cùng các chính sách đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vùng nông thôn.
Theo số liệu thống kê, trong hơn 900.000 doanh nghiệp của cả nước đang hoạt động hiện nay thì chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đáng nói, trong số đó thì doanh nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn rất ít, chủ yếu đầu tư ở các cụm, khu công nghiệp, đô thị.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) |
Đại biểu đoàn Bình Phước cho rằng, vùng nông thôn là “khoảng trống” cho tư thương thu gom, làm giá… Điều này cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, vùng nông thôn vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương...
Chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong các giải pháp của Chính phủ cũng đã đề cập đến việc chú trọng những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao gắn với phát triển thị trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Như vậy, chúng ta đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, đây chính là bước đột phá về tư duy và cách làm mới.
Để thực hiện điều này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp rất quan trọng.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ góp phần định hình tư duy của nông dân để thực hành làm kinh tế nông nghiệp.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân.
Ngoài ra, tính ổn định quy hoạch chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả. Hạn chế này cần được giải quyết để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
"Ngân hàng Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) |
Cũng quan tâm đến lĩnh vực này, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu đã mang lại kết quả tích cực, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Minh Tâm cũng cho biết, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, các nút thắt, vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.