Chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh
Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa cho người lao động và doanh nghiệp |
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Số người tham gia tăng mạnh
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, những năm qua, số lượng đối tượng tham gia và quy mô của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh chóng, từng bước xã hội hóa nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, đến hết năm 2022 có khoảng 15.120.220 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Từ năm 2015 đến nay, số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 15%/năm, tính đến cuối năm 2020 số tiền thu là 18.693 tỷ, dự toán thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2021-2022 khoảng 20 tỷ/năm, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5.669.322 đồng/tháng.
Cùng với đó, theo Bộ LĐTBXH, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng qua các năm do đối tượng tham gia tăng và người đủ điều kiện hưởng tăng: Năm 2015 có 526.279 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gấp 3,57 lần so với năm 2010. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2019 là khá ổn định.
Đại địch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, người lao động thất nghiệp và gia đình. Ngoài ra, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm, được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh.
Bộ LĐTBXH khẳng định, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng (đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn) khi giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.
Dù đạt nhiều kết quả song theo Bộ LĐTBXH, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về bảo hiểm thất nghiệp, do đó, còn xảy ra tình trạng cố tình hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương.
Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp thực sự là điểm tựa cho người lao động; Ảnh: Minh Việt |
Tiếp tục hoàn thiện các quy định
Để hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐTBXH cho biết cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan. Theo đó, cơ quan chức năng cần tổ chức rà soát, phát hiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Hoàn thiện các văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, cải tiến quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp rất cần thiết.
Cơ quan chức năng cần tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp: Rà soát các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Thực hiện việc thông báo biến động lao động của các doanh nghiệp; Thực hiện việc thông báo hằng năm cho từng người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; Chốt sổ bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; Tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng; Tăng cường các giải pháp tích cực để tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp…
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động về bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và đào tạo nghề; Không ngừng nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp như xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp… cũng sẽ giúp kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.