Chủ tịch Quốc hội chúc Tết gia đình các nguyên Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Tỉnh ủy Tây Ninh Chủ tịch Quốc hội chúc Tết gia đình chính sách tại Nghệ An |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp hương tưởng nhớ cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp nén hương thơm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và với Quốc hội.
Trò chuyện với cụ Nguyễn Nguyệt Tuệ (nhà văn Nguyệt Tú), phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo; giáo sư, bác sĩ Bùi Nghĩa, con trai của cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng cho biết, trong năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu phát triển quan trọng cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng. Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp quan trọng, xứng đáng của Quốc hội.
Kế thừa sự nghiệp của Quốc hội các khóa trước, trong đó có những đóng góp to lớn của cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội khóa XV tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, được cử tri, nhân dân ghi nhận, tin tưởng, ủng hộ và đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thắp hương tưởng nhớ cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, trên tinh thần "lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển", Quốc hội khóa XV vừa tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ năm, thông qua 4 nội dung quan trọng, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đang tích cực chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026), chuẩn bị biên soạn cuốn sách lịch sử 80 năm Quốc hội Việt Nam, trong đó có phần rất quan trọng về cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi và tặng quà gia đình cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc gia đình cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và gia đình cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo luôn mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển theo mong muốn của cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Đại diện gia đình cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, chúc Tết gia đình và thắp hương tưởng nhớ cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi thân nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Cụ Bùi Bằng Đoàn được Quốc hội bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I. Trên cương vị đứng đầu Quốc hội, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Lê Quang Đạo là Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ khóa VIII (1987-1992). Với trọng trách của mình, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã cùng Quốc hội đảm đương sứ mệnh xây dựng khuôn khổ pháp lý làm nền tảng cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng khởi xướng; thông qua nhiều đạo luật có vai trò thể chế hóa, đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, Quốc hội đã soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 1992 - bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới tư duy pháp lý, đặt ra nền tảng pháp luật cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.