Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát, xử lý dứt điểm các dự án "treo" tại Điện Bàn
Phường Điện Dương hiện có đến 64 dự án bất động sản khiến diện tích đất bị thu hồi của người dân bị ảnh hưởng nặng nề (Ảnh: V.Q) |
Hơn 10 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân thôn quê ven biển của thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), vùng ven sông Cổ Cò chạy dọc qua các phường vùng cát như Điện Dương, Điện Ngọc cũng như các phường Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, nay đã đổi thay phần nào bởi các dự án khu đô thị đã và đang thi công, hoàn thiện hạ tầng.
Tại phường Điện Dương, thời gian gần đây đang trở thành "điểm nóng" về triển khai các dự án phân lô, thu hồi đất dồn dập khiến người dân "ăn ngủ không yên".
Dai dẳng các dự án "treo" cả thập kỷ
Đi qua vùng Điện Dương những ngày này, phóng viên được người dân kể không xuể khi nhắc đến hàng loạt các dự án bất động sản, phân lô, dự án biệt thự ven sông, ven biển, khu đô thị hiện nay.
Nhiều dự án khiến người dân lắc đầu ngao ngán khi đề cập đến do vẫn đang bị "treo" từ nhiều năm kể từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cuộc sống người dân vùng dự án được phê duyệt tại vùng ven biển, ven sông Cổ Cò tưởng chừng đổi thay khi dự án đi qua nhưng đã có nhiều tác động liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng... để lại nhiều hệ lụy.
Những cái tên mỹ miều như thiên đường Cổ Cò, biệt thự ven sông, khu nghĩ dưỡng đẳng cấp quốc tế... giờ đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân và không muốn nhắc đến.
Trở lại vùng đất cồn cát như Hà Quảng Gia, Hà Quảng Bắc (phường Điện Dương), cuộc sống người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu vui chơi, Giải trí, Văn hóa và Đô thị sinh thái Thiên đường Cổ Cò (chủ đầu tư là Công ty CP Thiên đường Cổ Cò) đến nay vẫn không thay đổi là mấy kể từ năm 2010.
Cử tri phường Điện Dương phản ánh về tình trạng các dự án treo trên địa bàn (Ảnh: V.Q) |
Gặp được phóng viên, bà T, hộ có đất đai, nhà cửa thuộc diện thu hồi nhưng dự án "treo" tận hơn 8 năm nay, nghẹn ngào kể: "Chính quyền thu hồi đất màu của dân từ năm 2014 để chủ đầu tư triển khai dự án nên ai cũng đồng ý bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, phần diện tích nhà cửa, đất ở của những hộ nằm giáp với tỉnh lộ 603B thì chỉ được chính quyền xuống đo đạc, kiểm kê rồi để đó".
Bà T thuộc 21 hộ dân nằm trong diện bị đo đạc, kiểm kê nên đã nhiều năm nay gia đình không thể sửa chữa được nhà cửa đang xuống cấp, trong khi đó, sau nhiều năm nằm "đắp chiếu" chủ đầu tư bất ngờ xin điều chỉnh phê duyệt quy hoạch dự án.
Đi dọc tỉnh lộ 603B, phóng viên còn chứng kiến thêm nhiều cảnh nhà cửa, đất vườn của người dân ngày càng lụp xụp, xuống cấp nhưng chưa thể sửa chữa, xây mới do nằm trong vùng của hàng loạt dự án "treo" như Malibu Hoi An, Nam Việt Á, dự án Làng chài ven biển...
Nhiều khu vực do nằm trong vệt 20m dọc tỉnh lộ không thể xây dựng do bị dính quy hoạch đã hơn 10 năm qua. Theo Chủ tịch UBND phường Điện Dương, trên địa bàn hiện nay đang có đến 64 dự án bất động sản đang triển khai, trong đó có nhiều dự án đang "án binh bất động" và "treo" khiến người dân rơi vào cảnh "đi không được, ở cũng không xong".
Hiện các cán bộ địa phương đang rất vất vả trong công tác vận động để giải quyết công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với người dân có đất bị thu hồi.
Rà soát quy hoạch, xử lý dứt điểm các dự án "treo"
Vào ngày 8/8 vừa qua, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc tiếp xúc cử tri với người dân tại UBND phường Điện Dương, qua đó nắm bắt ý kiến, cuộc sống người dân trong vùng dự án, đồng thời chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đền liên quan đến dự án đầu tư trên địa bàn phường.
Được gặp trực tiếp Chủ tịch tỉnh, người dân trong vùng dự án khẳng định luôn ủng hộ các dự án phát triển để quê hương phát triển xứng tầm.
Tuy nhiên, việc triển khai phải hài hòa với quyền lợi người dân, doanh nghiệp và nhà nước bởi không ít dự án dường như chưa quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, thậm chí ảnh hưởng đến công việc và sinh kế lâu dài.
"Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò hiện nay ảnh hưởng diện tích lúa nhiều hộ dân nhưng đơn vị thi công không hỗ trợ bồi thường. Chủ đầu chỉ bồi thường những hộ có ruộng sát sông, trong khi đó diện tích ruộng phía bên trong cũng bị ảnh hưởng do nước ứ không thoát ra sông, chưa kể ruộng nhiễm mặn phải bỏ hoang. Bà con lo sốt vó vì không còn đất để canh tác", hộ bà T phản ánh thực trạng lên Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri tại phường Điện Dương (Ảnh: V.Q) |
Trước những thực trạng về các dự án nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, khi quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trước đây, Chính phủ mong muốn mở rộng không gian đô thị Đà Nẵng kéo dài vào TP Hội An về phía biển, qua đó trở thành khu đô thị lớn của miền Trung.
Tuy nhiên, thời điểm này, việc đầu tư các dự án về nhà ở rất sơ khai. Do vậy, hiện nay có rất nhiều dự án nhỏ manh mún (có dự án diện tích chỉ vài héc ta - PV) đã được giao cho nhà đầu tư.
Cũng từ đây việc quy hoạch, khớp nối hạ tầng giao thông, công trình công cộng, tiện ích xã hội bị vụn vỡ, chắp vá chưa như mong muốn. Thực trạng bây giờ là phải khắc phục, giải quyết tình thế cho hợp lý chứ không thể nào xóa đi làm lại được.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, vào năm 2016, sau khi giải tán Ban Quản lý phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, bàn giao về cho UBND thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh cũng tạm dừng triển khai các dự án, đồng thời chỉ đạo thị xã kết hợp với các sở ngành liên quan của tỉnh rà soát tất cả dự án vùng Đông.
Sau 2 năm đã giải quyết được 2 việc quan trọng là rà soát làm lại các thủ tục pháp lý của dự án theo đúng quy định; Đặc biệt là điều chỉnh, khớp nối quy hoạch các khu dự án (hệ thống đường sá, giao thông…) đảm bảo đồng bộ hạ tầng đô thị.
“Rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án ở Điện Dương nói riêng và vùng Đông Điện Bàn nói chung trong 5 năm qua. Thị xã cũng đang lập điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2050 để các cơ quan chức năng thẩm định, cố gắng trong tháng 10 này sẽ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung về Điện Bàn.
Đây sẽ là căn cứ pháp lý để triển khai một số quy hoạch khác, nhất là các dự án bất động sản tại địa bàn”, ông Lê Trí Thanh thông tin
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay chính quyền đã vào cuộc chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn tập trung rà soát 3 nhóm dự án để có giải pháp xử lý. Đối với các dự án đã cơ bản GPMB (hơn 90%), Điện Bàn và nhà đầu tư phải tập trung giải phóng dứt điểm để hoàn thành dự án. Đối với các dự án vướng mắc GPMB lớn, khả năng GPMB quá khó khăn, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Phần GPMB dứt điểm thì tập trung đầu tư xây dựng theo quy hoạch, còn lại chỉnh trang thì phải có phương án cụ thể. Khi đã chỉnh trang thì dân được phép xây dựng nhà cửa, tránh trường hợp vướng dự án người dân không sửa chữa hay xây mới nhà cửa được. Đối với dự án đang làm thủ tục đầu tư nhưng nhà đầu tư được đánh giá có năng lực yếu kém, dự án quy mô nhỏ không đem lại giá trị lớn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ yêu cầu đơn vị liên quan xem xét trình các cấp để thu hồi theo đúng quy định. |