Chuyển đổi số là yêu cầu hàng đầu để phát triển
Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch Phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác Tổ chức cuộc thi về cải cách hành chính, chuyển đổi số |
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng |
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đà Nẵng đi đầu về chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về 3 trụ cột chuyển đổi số gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Về xây dựng Chính phủ số, có nhiều địa phương triển khai tích cực song Đà Nẵng là địa phương có những hiệu quả nổi bật.
Lý giải lý do chọn Đà Nẵng là địa phương tổ chức hội nghị hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đà Nẵng là địa phương đi đầu về xây dựng chương trình chuyển đổi số, việc chọn Đà Nẵng vừa là động viên, hoan nghênh vừa là để các địa phương học tập Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị |
Theo Thủ tướng Chính phủ, hiện nay xu thế về chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, yêu cầu hàng đầu trong quá trình phát triển.
Chuyển đổi số không chỉ là kinh tế, xã hội số mà còn đi vào các lĩnh vực khác, kể cả những vấn đề quan trọng của quốc gia. Cách tiếp cận hiện nay là tiếp cận toàn cầu, toàn diện, trọng điểm chính là người dân.
Hiện nay có thể thấy được sự thay đổi về tư duy, hành động, thói quen ở cơ quan hành chính các cấp khi thực hiện thủ tục hành chính chuyển từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả công việc.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Công tác lãnh đạo, điều hành, tư duy nhận thức có nơi có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, nhất là ở các vùng sâu vùng xa; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, vẫn còn hơn 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chưa được xử lý toàn trình...
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chia sẻ một số giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại TP Đà Nẵng |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chia sẻ một số giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại TP Đà Nẵng.
Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “động lực mới”, là “chìa khóa” để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển; tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị tham gia triển khai chuyển đổi số.
Kết quả, theo báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến tháng 7/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của TP Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).
Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh niên, doanh nghiệp trẻ chuyển đổi số trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Đ.Minh) |
Bên cạnh đó, tỷ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính (TTHC) số đạt 64% tính đến thời điểm hiện tại, trong đó 100% kết quả mới (năm 2023 và đến 7/2024) đã được số hóa đưa vào Kho kết quả TTHC. Đã có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên Hệ thống chính quyền, đạt tỉ lệ khoảng 50%.
Huy động nguồn lực từ Nhân dân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nhân dân làm nên lịch sử, nguồn lực Nhà nước chỉ là dẫn dắt. Do đó, quan trọng là phải huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân… và căn cứ từ thực tế để điều chỉnh thể chế cho phù hợp.
Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số vấn đề thảo luận, trao đổi tại hội nghị: Đánh giá kết quả về nhận thức, tư duy, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện để lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm quý cần chia sẻ.
Thủ tướng yêu cầu nhìn thẳng, nhìn thật vào tư duy nhận thức còn vấn đề gì, hoạt động lãnh đạo điều hành có gì chưa thông thoáng; thể chế có vấn đề gì cần tháo gỡ, giải pháp nào cần triển khai; người dân, doanh nghiệp là trung tâm thì có thụ hưởng được không, có vấn đề nào Nhà nước cần tháo gỡ.
Từ đó, các địa phương, đơn vị xác định sắp tới cần triển khai các giải pháp gì để thực hiện hiệu quả các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính việc phát triển sản phẩm công nghệ số trước hết là để phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp và hướng đến vươn ra thế giới |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, nước ta đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan Nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Đồng thời, việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng.
Khi đó, các cơ quan Nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Do đó, việc hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.