Chuyên gia cảnh báo AI nguy hiểm ngang đại dịch
Chuyên gia tiếp tục cảnh báo
Trong một tuyên bố ngắn trên trang web của Trung tâm An toàn AI, Các nhà khoa học và lãnh đạo công ty công nghệ cho biết: “Giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng do AI phải là ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân”.
Họ lo ngại AI có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường việc làm, gây hại cho sức khỏe của hàng triệu người và “vũ khí hóa” thông tin sai lệch, phân biệt đối xử, mạo danh.
Thông báo này được đưa ra bởi 350 lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành AI. Trong đó có, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ChatGPT OpenAI - ông Sam Altman; Ông Demis Hassabis đứng đầu Goolge DeepMind; Ông Dario Amodei - CEO Anthropic; Chuyên gia Yoshua Bengio, người Canada, được mệnh danh là “bố già AI”, đồng thời tiên phong trong lĩnh vực Deep Learning.
AI xâm nhập vào cuộc sống hằng ngày của con người và gây ra nhiều mối lo ngại |
Theo giáo sư Michael Osborne, Đại học Oxford (Anh) và đồng sáng lập của Mind, đây không phải là cảnh báo đầu tiên nhưng có khả năng gây ảnh hưởng lớn nhất do phạm vi ký kết rộng hơn và mối quan tâm cốt lõi về sự tồn tại của AI.
“Điều thực sự đáng chú ý là có rất nhiều người đã đăng ký nhận bức thư này. Nó cho thấy ngày càng có nhiều người làm việc trong lĩnh vực AI nhận ra rằng rủi ro hiện hữu nên là một mối quan tâm thực sự”, ông nói thêm.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, hơn 1.000 nhà nghiên cứu và nhà công nghệ, bao gồm cả Elon Musk, đã ký một lá thư vào đầu năm nay kêu gọi tạm dừng phát triển AI trong sáu tháng, cho rằng nó gây ra những rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại.
Đến tháng 5, nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về AI, Geoffrey Hinton nhận định, AI có thể gây ra mối đe dọa khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Theo ông, việc đưa ra những lời khuyên về hành động cần làm để chống biến đổi khí hậu dễ hơn nhưng với AI thì mọi thứ không rõ ràng như thế.
Ông Hinton được biết đến là một trong những “cha đẻ” của AI. Mới đây, ông tuyên bố rút khỏi Alphabet, công ty chủ quản của Google, sau một thập kỷ gắn bó. Công việc của ông Hinton được đánh giá là đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của các hệ thống AI ngày nay.
Deepfake và AGI
Chat GPT trở nên nổi tiếng vào cuối năm ngoái với khả năng trò chuyện, tạo ra văn bản, hình ảnh và video mới. Thậm chí, công cụ thông minh này còn có khả năng làm thơ, viết code. Cơn sốt AI đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, từ các thuật toán sai lệch của AI đến nguy cơ mất việc làm hàng loạt khi tình trạng tự động hóa được hỗ trợ từ AI xâm nhập cuộc sống hằng ngày của con người. Bên cạnh đó, những lo ngại bao gồm khả năng của AI trong việc thúc đẩy lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến, liệu nó có khiến con người bị mất việc hoàn toàn?
Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho rằng deepfake, công nghệ tạo video và hình ảnh giả mạo trông như thật, là mối nguy hiểm lớn nhất của AI hiện nay.
Deepfake là thuật ngữ chỉ sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Trong đó, AI được sử dụng để phân tích cử chỉ, nét mặt, giọng nói của một người, từ đó tái tạo và chỉnh sửa để cho ra đời ảnh hoặc video như thật.
Nhiều chuyên gia và nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm của AI |
Những bức ảnh giả (deepfake) mô phỏng vụ bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Giáo hoàng Francis mặc áo trắng thời trang lan truyền trên mạng xã hội là minh chứng cho sự bùng nổ của AI và những rủi ro nó mang lại. Hai bức ảnh được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội với đa số người dùng tin là thật.
Trong cơn sốt AI, các chuyên gia đang lo ngại về một mô hình cao hơn là trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI). Khảo sát của Đại học Stanford tháng trước cho thấy, 56% nhà khoa học máy tính và nhà nghiên cứu tin AI sẽ bắt đầu chuyển dịch sang AGI trong tương lai gần. Theo Fortune, AGI được đánh giá phức tạp hơn nhiều so với mô hình AI nhờ khả năng tự nhận thức những gì nó nói và làm. Về mặt lý thuyết, công nghệ này sẽ khiến con người phải lo sợ trong tương lai.
Các quốc gia trên thế giới đang chạy đua để đưa ra các quy định cho công nghệ đang phát triển. Trong đó, Liên minh Châu Âu đang đi đầu với Đạo luật AI dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay.
Tại Mỹ, Chính phủ liên bang đang trong quá trình thu thập ý kiến đóng góp về các quy định đối với AI.
Người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho biết, cơ quan này cam kết sử dụng các luật hiện hành để kiểm soát những mối nguy đến từ AI.
Vương quốc Anh cũng có kế hoạch phân chia trách nhiệm quản lý AI giữa các cơ quan quản lý nhân quyền, sức khỏe và an toàn thay vì tạo ra một cơ quan mới.
AI - trí tuệ nhân tạo vì hạnh phúc con người TTTĐ - Ngày 25/2, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách “AI trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” ... |
Cảnh sát vạch trần thủ đoạn sử dụng công nghệ Deepfake lừa đảo chiếm đoạt tài sản TTTĐ - Thời gian gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm mạng đang ngày càng có nhiều thủ đoạn ... |
Cảnh báo mối nguy hiểm của AI TTTĐ - Theo ông Geoffrey Hinton, nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, AI có thể gây ra mối đe ... |