Chuyên gia Pháp “hiến kế” cho giao thông thông minh tại Hà Nội
Tuyến Metro số 1 và Grab Việt Nam hợp tác thúc đẩy giao thông thông minh tại TP HCM Giao thông thông minh: Trụ cột chính của thành phố thông minh |
Bên lề hội thảo về "Chiến lược hệ thống vé giao thông công cộng và MaaS” do Cơ quan hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) tổ chức mới đây, ông Aurélien Belhocine, chuyên gia về GTCC tại Vùng Île-de-France (IDF) đã chia sẻ về vấn đề giao thông thông minh tại Hà Nội.
- PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng hệ thống vé điện thử liên thông đa phương thức MaaS tại IDF?
- Ông Aurélien Belhocine: Hệ thống vé điện tử thống nhất và tích hợp các phương thức di chuyển đa dạng theo mô hình MaaS (Mobility as a Service - Giao thông như một dịch vụ) không chỉ giúp tối ưu hóa hạ tầng giao thông mà còn nâng cao trải nghiệm của người dân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở mỗi đô thị. Đây là một xu hướng tất yếu ở những đô thị phát triển.
MaaS tổng hợp toàn bộ dịch vụ trên phương tiện giao thông như tàu hỏa, xe buýt, tắc xi, tàu điện… cho phép hành khách đặt trước dịch vụ giao thông và thanh toán trên cùng một nền tảng.
Tại IDF, vài năm gần đây, chúng tôi đã triển khai loại hình vé này trên nền tảng smartphone. Ứng dụng không chỉ thuận tiện cho việc chi trả, thanh toán mà còn cung cấp ngược trở lại cho người sử dụng những thông tin hữu ích trong quá trình họ tham gia GTCC.
Chúng tôi nhận thấy có một sự thay đổi tích cực khi áp dụng vé trên smartphone là số lượng hành khách sử dụng phương tiện GTCC qua smartphone tăng đột biến, gấp 5 - 6 lần so với trước đó, khi mà chúng tôi chỉ áp dụng vé điện tử cho từng loại hình phương tiện riêng lẻ.
Lợi thế khi dùng MaaS là việc thu thập dữ liệu rất chính xác. Chúng ta không chỉ biết hành khách mua vé, sử dụng như thế nào mà còn biết ngày, giờ nào họ lên xe, xuống xe ở đâu. Tất nhiên, toàn bộ thông tin đó được bảo mật, chỉ để thống kê nhưng rất hữu ích.
- PV: Ông thấy việc triển khai mô hình MaaS ở Hà Nội có dễ dàng không, khi mà các phương tiện GTCC ở Hà Nội chưa thực sự đa dạng và phát triển như tại IDF?
- Ông Aurélien Belhocine: Không quan trọng quy mô lớn hay nhỏ, cho dù chỉ 154 tuyến xe buýt ở Hà Nội, hay hơn 1.500 tuyến như ở Paris, tác dụng mang lại là như nhau.
Điều quan trọng nhất là, trước khi áp dụng hệ thống này, chúng ta phải có dịch vụ đa dạng cho khách, chứ nếu dịch vụ vận tải chưa đủ mạnh, chưa nhiều thì không đạt được hiệu quả. Ví dụ: Khi áp dụng MaaS trên smartphone, chúng tôi cung cấp thêm rất nhiều thông tin khác như tại điểm xe buýt ga trung chuyển, chúng tôi bố trí nhiều bãi gửi xe đạp cho hành khách.
Trước đây, họ không hề biết những điểm này. Trên smartphone, chúng tôi định vị rõ điểm dừng nào, ga nào có bãi gửi xe, người dân sử dụng thấy rất hiệu quả. Từ đó, người dân sử dụng GTCC rất nhiều.
Dù sao, Hà Nội có mạng lưới GTCC cộng đã vận hành và dịch vụ được cung cấp ở mức cơ bản.
![]() |
Ông Aurélien Belhocine, chuyên gia về GTCC tại Vùng Île-de-France (IDF) - Pháp |
- PV: Theo ông, để có thể triển khai mô hình này, TP Hà Nội cần phải làm gì trước tiên?
- Ông Aurélien Belhocine: Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trước mắt, hãy tạo ra một giao diện sử dụng đơn giản nhất có thể, để người không quá am hiểu về công nghệ cũng có thể sử dụng được.
Thứ hai, Hà Nội có thể phân kỳ ra từng giai đoạn. Chúng ta đừng kỳ vọng đưa một lúc tất cả các dịch vụ vào App mà hãy tích hợp dần, giống như khi xây dựng một App trên điện thoại, luôn có những phiên bản nâng cấp sau đó.
- PV: Ông nghĩ thách thức và thuận lợi khi Hà Nội áp dụng mô hình MaaS?
- Ông Aurélien Belhocine: Thách thức đầu tiên tôi thấy là hiện có sự phân tán về dữ liệu mà các bạn cần thiết phải đồng bộ hóa ngay. Ngày hôm qua, chúng tôi đã đi trải nghiệm một số tuyến buýt của Hà Nội, trong đó có tuyến của Vinbus; Hanoibus.
Tôi thấy có 3 phương thức thanh toán, tìm kiếm xe buýt khác nhau và thông tin trên 3 nền tảng đó chưa đồng bộ. Ví dụ, vào App của Vinbus thì hệ thống khác, sang My bus của Hanoibus lại khác.
Thứ hai là hệ thống vé điện tử hiện nay chưa đảm bảo được kết nối đa phương thức, vì giữa tàu điện Metro và xe buýt chưa dùng chung một vé. Khi mua vé Metro thì bấm điểm xuất phát, điểm đến, rồi tính tiền và lấy vé nhưng khi đi xe buýt lại phải mua vé riêng. Tại IDF, người dân có thể dùng 1 loại vé chung cho tất cả cả phương tiện này.
![]() |
Hành khách trải nghiệm sử dụng vé điện tử liên thông tại các điểm tuyến buýt nhanh BRT |
Nhưng hạn chế đó lại chính là thuận lợi, vì mạng lưới GTCC tại Hà Nội chưa phát triển mạnh lắm, loại hình phương tiện GTCC còn ít nên việc áp dụng MaaS dễ hơn. Còn để đến khi mạng lưới rộng khắp như ở Paris thì vấn đề triển khai sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, tôi thấy, nếu Hà Nội triển khai mô hình MaaS sẽ rất hút khách du lịch. Bởi vì, các tuyến Metro tại Hà Nội hiện giờ hoàn toàn chạy trên cao. Đây là điều mà khách du lịch rất thích vì họ có thể ngắm nhìn toàn thành phố.
- PV: Cảm nhận của ông khi lần đầu trải nghiệm các tuyến Metro ở Hà Nội như thế nào?
- Ông Aurélien Belhocine: Tôi thấy khá thú vị vì toa xe sạch sẽ, nhà ga rộng rãi, hành khách thân thiện. Ngồi trên tàu, tôi được ngắm nhìn thành phố từ trên cao và cảm nhận được nhịp sống sôi động của một đô thị ngàn năm tuổi.
- PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất thú vị!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh cấm nhiều đường phục vụ bắn địa pháo lễ 30/4

Cửa ngõ Hà Nội đông đúc trước kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hàng loạt dự án giao thông chậm tiến độ, nguy cơ gây lãng phí

Sẵn sàng xử lý sự cố giao thông, phục vụ Nhân dân nghỉ lễ

Thiết lập kỷ cương để xây dựng văn hóa giao thông

Prudential tổng kết 5 năm triển khai dự án “Đến trường an toàn”

TP Hồ Chí Minh ra quân thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm

Sau 3 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP: Tai nạn giao thông giảm sâu

Xanh hóa giao thông đô thị: Chìa khóa cho Thủ đô phát triển bền vững
