Chuyện kể của người bắn hạ B52 giữa lòng Hà Nội
Đơn vị đầu tiên bắn hạ B-52 và “danh hiệu ba lần anh hùng” |
Ông Nguyễn Đức Chiêu, năm nay 73 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên là trắc thủ góc tà, Tiểu đoàn 72, Trung Đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không Không quân. Sau khi rời quân ngũ, ông học tiếp đại học và về công tác tại Tổng cục Kỹ thuật năm 1979. Năm 1986, ông chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ và làm việc tại Nhà máy Cơ khí Quang Trung.
Trắc thủ Nguyễn Đức Chiêu và đồng đội đã bắn hạ máy bay B52 khi chúng trên đường bay vào Hà Nội, tiêu diệt hai, bắt sống bốn phi công địch. Phần thân máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp làng Ngọc Hà. Còn đuôi và cánh thì rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám gần đó. Ðây là chiếc B52 duy nhất còn nguyên bom, đạn khi ấy. Tiểu đoàn 72 của trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu còn được mệnh danh là đơn vị "bắt sống máy bay B52". Bốn phi công bị bắt sống sau này được Chính phủ Việt Nam trao trả cho phía Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Chiêu kể chuyện |
Kể lại ký ức vô cùng hào hùng của Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chiêu cho biết: Trong một buổi tối, khoảng 10h, tiêu độ 9 bắt được nhiễu của B52 từ khoảng cách 300 km, dải nhiễu mờ và nhạt, càng vào gần nhiễu càng nặng hơn, chiếc B.52 trên máy tính là một màn hình trắng xóa. Riêng màn góc tà trắng hết chứng tỏ B52 vào nhiều, kèm theo là các máy bay bảo vệ. Màn phương vị khi bắt được mục tiêu thì ấn nút tự động, cự ly cũng ấn nút tự động.
“Khi màn góc tà không bắt được, màn hình vẫn trắng xóa nên tôi thật sự lo lắng. Tôi phải cố gắng quay hướng lái để bắt cùng với hai góc còn lại. Ba người đều phải nhằm trúng mục tiêu, nếu lệch nhau thì tên lửa bắn lên sẽ rơi xuống Hà Nội, B52 sẽ phát hiện ra và cắt bom. Khi ấy không hiểu khu vực Ba Đình sẽ như thế nào…”, ông Chiêu kể.
Bởi vậy, lúc đó ông thực sự căng thẳng. “Tôi không nhìn thấy bất kỳ một tín hiệu nào, buộc phải phán đoán. Gần như tôi phải quay vô lăng rất cẩn thận, tốc độ vê cũng phải thận trọng, nhẹ nhàng. Mình phải tính toán để vừa bắn trúng máy bay, vừa gạt được tên lửa nó phóng xuống.
Tốc độ tên lửa bắn hú họa của Mỹ phóng xuống nhanh hơn, đạn nhỏ hơn. Nếu không chuẩn xác mình sẽ hi sinh trước khi máy bay rơi vì tốc độ tên lửa rơi từ trên xuống rất nhanh”, người lính năm xưa chia sẻ.
Người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa nay vẫn luôn dành thời gian truyền lửa cho thế hệ trẻ |
Cuối cùng, nhờ linh tính, nhờ sự rèn luyện và khả năng phán đoán, trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu đã bám đúng góc B52 đang vào. Khi nhận được lệnh từ tiểu đoàn trưởng, ông và hai trắc thủ nữa đã kịp thời phóng đạn và đi đúng một hướng. Một màn lửa tóe lên và tiếng hò reo chiến thắng của toàn tiểu đội đến bây giờ vẫn còn in đậm trong trí nhớ ông Chiêu.
Có lẽ người trắc thủ “cực ngầu” không ngờ trong trận đấu sống còn này, một mình ông phải điều khiển thủ công chỉ vì màn hình không bắt được tín hiệu B52… Cũng ít người biết, trong chiến công xuất sắc đó, sĩ quan điều khiển lại là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, gác bút nghiên lên đường chiến đấu, dành trọn thanh xuân cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Từ những chiếc B52 đã bị hạ gục bởi các trắc thủ như ông Chiêu trước khi nó kịp ném bom san bằng Hà Nội, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hạ gục uy danh siêu pháo đài bay B52 của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Paris rút quân về nước.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được ghi tạc vào lịch sử dân tộc như một trong những trang vàng chói lọi nhất, một kỳ tích có một không hai, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam, trong đó có những trắc thủ như ông Chiêu và những người lính tên lửa, đã bắn hạ B52 của địch bằng lòng căm thù, bằng tình yêu, bằng khát vọng cho đất nước sạch bóng quân thù, để núi sông nối liền một dải.