Phi đội trưởng đội “én bạc” MIG21 và kí ức hào hùng đánh chặn “thần sấm, con ma” B52
Nửa thế kỷ đi qua những hố bom B52 xưa |
Khắc phục mọi khó khăn, cùng lập chiến công
Nói về những ngày chiến đấu với bom B52, Đại tá Hoàng Biểu cho biết, MiG21 là đối tượng B52 sợ nhất bởi vì lúc bấy giờ chỉ có MiG21 mới là “khắc tinh” của “thần sấm” còn các loại máy bay khác mà chúng ta có thì không đủ tính năng để đánh chặn B52.
Đặc biệt, B52 chỉ vào ban đêm và phi đội bay đêm lúc bấy giờ do Hoàng Biểu làm phi đội trưởng. Khi triển khai chiến dịch Linebacker “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, đầu tiên Mỹ đánh phá, ném bom, phá hỏng tất cả các sân bay của ta. Chính vì thế, Hoàng Biểu nhớ lại, ông và các đồng đội vô cùng khó khăn trong việc cất và hạ cánh.
Đại tá Hoàng Biểu bên bức ảnh của mình trưng bày tại triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời" tôn vinh 108 phi công lái máy bay chiến đấu của Việt Nam |
Rất nhiều lần khi cất cánh đi đánh giặc trên bầu trời thì đường băng còn nhưng khi về thì đường băng bị bắn phá hết rồi, cho nên ông và các đồng đội thường phải cảm tử để hạ cánh, vừa bảo vệ tài sản là máy bay chiến đấu vừa bảo vệ tính mạng phi công - chiến sĩ. Sau đó phi đội rút kinh nghiệm là không thể tập trung một sân bay.
Phi đội có khoảng hơn chục người, sơ tán đi những sân bay dã chiến khác nhau. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, sân bay dã chiến hoạt động ban ngày đã khó, ban đêm lại càng khó khăn hơn nhưng với quyết tâm cao độ, với ý chí ngút trời và cộng thêm kinh nghiệm dày dặn, những người lính không quân bấy giờ đã sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt nhiệm vụ chiến đấu với những bóng ma gieo rắc tội ác kinh hoàng trên bầu trời.
Đêm 27/12 đồng chí Phạm Tuân cơ động lên sân bay Yên Bái đến khu vực Mộc Châu (Sơn La) và đã bắn hạ tại chỗ một chiếc B.52. Đêm 28/12, đồng chí Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy do phi đội trưởng Hoàng Biểu là người trực tiếp chỉ huy và bắn rơi được một chiếc B52 nữa. Sân bay dã chiến Cẩm Thủy bấy giờ là một bãi trồng ngô được lăn, ủi cải tạo nên việc cất, hạ cánh đòi hỏi cả người lái lẫn người chỉ huy đều phải rất kinh nghiệm và quyết đoán.
Đại tá Hoàng Biểu đại diện các nhân chứng phát biểu tại triển lãm |
Đại tá Hoàng Biểu kể lại, lúc đó cả ông và phi công Vũ Xuân Thiều đều phải chuẩn bị rất kĩ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng, sẵn sàng cho mọi tình huống và bằng mọi cách phải cất, hạ cánh được. Bởi sân bay dã chiến không thể đủ điều kiện thông thường, hạn chế đèn và độ dài, rộng cũng như các tiêu chuẩn kĩ thuật đảm bảo cho máy bay được cất, hạ cánh an toàn.
Theo Đại tá Hoàng Biểu, MiG21 của Liên Xô là cái máy bay có độ an toàn rất cao, dù hoạt động ở sân bay nào, dù nó có tác động ngoại lực gì đi chăng nữa nhưng mà nó vẫn vững chắc, giúp cho phi công hoàn thành nhiệm vụ đánh B52.
Dù lực lượng rất ít nhưng các phi công quả cảm, với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, Phi đội 5 đã cùng Không quân Việt Nam lập nên những chiến công giòn giã, góp phần vào thắng lợi vang dội của dân tộc.
Trong 24 lần xuất kích phi đội đã bắn rơi 7 chiếc máy bay, trong đó có 2 chiếc B52 bị hạ gục, 8 lần phá vỡ đội hình bay chiến đấu của địch, tạo điều kiện cho tên lửa và lực lượng phòng không đánh thắng. Ngày 25/4/2013, Phi đội 5, Trung đoàn Phòng không 921 được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Bây giờ, 50 năm, nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi lập nên những chiến công huyền thoại ấy, những người lính lái “én bạc” hào hoa máu lửa một thời đều đã ở tuổi thất thập, bát thập. Vào những ngày kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hay những dịp lễ quan trọng của Quân chủng Phòng không Không quân, họ lại ngồi bên nhau để kể về những ngày chiến đấu oanh liệt khi xưa.
Thời tuổi trẻ sôi nổi
Cách đây tròn 50 năm, Hoàng Biểu khi ấy là một thanh niên 32 tuổi nhưng đã là phi công dày dặn kinh nghiệm bay đêm. Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng, chàng trai dân tộc Tày sớm được học hành bài bản và là tầng lớp thanh niên ưu tú được “chọn mặt gửi vàng” để gánh vác những trọng trách của thời đại cùng các bạn bè đồng trang lứa. Tháng 7/1962, Hoàng Biểu tốt nghiệp phổ thông và trúng tuyển đi học lớp đào tạo phi công lái máy bay MiG21 tại Liên Xô.
Sau 3 năm miệt mài, nghiêm túc và với quyết tâm cao, vừa học lý thuyết vừa tham gia tập bay trên mô hình rồi trải qua những bài bay nâng cao, anh đã làm chủ chiếc máy bay tiêm kích với tính năng hiện đại để phục vụ cho quân đội. Cuối năm 1965, Hoàng Biểu cùng với 10 đồng đội khác tốt nghiệp khoá đào tạo phi công MIG-21 tại Liên Xô trở về nước để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về đến sân bay Đa Phúc, anh được biên chế vào Trung đoàn Sao Đỏ và phong quân hàm Thiếu uý.
Phi công Hoàng Biểu thời trẻ |
Từ đó, trong suốt quá trình rèn luyện, phấn đấu và cống hiến, anh hai lần được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ vì có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ. Đầu tiên là vào một ngày tháng 2/1968, khi đang làm nhiệm vụ thường trực thì anh và đồng đội có lệnh xuất kích chiến đấu với máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời vào bắn phá các mục tiêu kinh tế, quân sự của ta thuộc khu vực tỉnh Hà Bắc.
Với tốc độ phi thường của chiếc MIG-21, chỉ mất vài phút tăng mạnh ga đã rút ngắn khoảng cách với mục tiêu là chiếc F4 mang nặng bom. Khi mục tiêu đã nằm gọn trong tầm ngắm, anh ấn nút phóng tên lửa phá tan chiếc F4. Sau trận ấy chiếc MIG-21 của anh in hình một ngôi sao màu đỏ và chủ nhân của nó cũng vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và làm phi đội phó.
Đến giữa năm 1969, Hoàng Biểu được tham gia đánh máy bay địch một lần nữa. Lần này sau khi xuất kích, anh nhận lệnh của chỉ huy bay thẳng vào vùng trời Thanh Hóa chiến đấu với máy bay địch. Lần này anh bắn hạ một chiếc máy bay không người lái. Sau trận đánh này, chiếc “én bạc” của Hoàng Biểu lại vinh dự được in thêm một ngôi sao màu đỏ, còn anh vinh dự được tặng chiếc Huy hiệu Bác Hồ thứ hai.
Đại tá Hoàng Biểu và các nhân chứng lịch sử kể lại những kỉ niệm chiến đấu |
Từ năm 1970 - 1972, Hoàng Biểu cùng Đinh Tôn là hai phi công có kinh nghiệm chiến đấu ban đêm được điều động đến thường trực chiến đấu tại các sân bay dã chiến Vinh, Anh Sơn, Thọ Xuân, Đồng Hới để tổ chức những cuộc xuất kích chiến đấu ban đêm, tìm đánh, ngăn chặn địch dùng máy bay C-130 và B52 ném bom đường Trường Sơn hòng cản trở quân ta chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm thực tế trong thời gian chiến đấu trong đội hình máy bay tiêm kích MIG21 nhiều lần “giáp mặt” máy bay Mỹ đã cho anh và đồng đội những kinh nghiệm vô cùng quý báu, đặc biệt là bay đêm và chiến đấu ban đêm để góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” sau này.
Còn tại tư gia quanh những con phố gắn với Quân chủng như Lê Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Nại… thi thoảng lại có các bạn trẻ đến để lắng nghe câu chuyện mà những người anh hùng của bầu trời khi xưa kể lại để hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của dân tộc, hiểu về một thời tuổi trẻ sôi nổi của cha anh mình khi xưa.
Đại tá Hoàng Biểu sống cùng các con, cháu mình rất gần Bảo tàng Phòng không - Không quân, nơi ông có thể đi bộ ra và ngắm những chiếc máy bay được trưng bày nơi đây. Được nghe ông kể chuyện về thuở lái máy bay chiến đấu khi xưa, tin rằng mỗi bạn trẻ sẽ được truyền thêm lý tưởng và mục đích sống để có thể cống hiến nhiều hơn cho Hà Nội, cho Tổ quốc hòa bình ngày nay.