"Chuyện nhặt" về văn hóa ứng xử mùa dịch - Bài 4: Quét mã QR - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Chưa quen nhưng cần thiết nên quét ngay
Chị Lê Thu Minh, sống tại chung cư CT6, Khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì đã bày tỏ như vậy khi hỏi về việc phải quét mã QR khi đi mua bán tại những nơi yêu cầu.
Chị kể, chị cũng mới ở quê ra sau khi Hà Nội hết giãn cách. Năm nay chị có con gái vào lớp 1, lúc ở quê còn thiếu một số đồ dùng học tập của con nên chiều Chủ nhật (ngày 26/9) chị ra cửa hàng ADbook trên đường Ngọc Hồi mua đồ cho con gái.
“Hôm đấy cửa hàng khá đông vì Hà Nội cũng mới hết giãn cách và lại là cuối tuần. Vừa bước chân lên sảnh thì thấy một nhân viên đứng bên ngoài cửa yêu cầu quét mã QR, sát khuẩn và ghi tên vào một quyển sổ đặt sẵn trên bàn. Tôi bảo, ơ cái này mới à em? Thế không quét thì có được vào mua hàng không? Cô nhân viên đon đả trả lời, chị ơi nếu không quét thì chúng em xin phép không được cho khách hàng vào chị ạ. Đây là yêu cầu bắt buộc. Mong chị thông cảm giúp chúng em. Cái này quét cũng đơn giản ạ. Nghe thấy thế, sẵn điện thoại nên tôi quét luôn, cũng khá nhanh. Sau đó, tôi vào mua sách và chọn sách cho con đến khoảng hơn 6h mới về”, chị Minh chia sẻ.
Chị Minh cũng để ý thấy hầu hết khách hàng đều quét. Họ cũng dơ điện thoại lên, quét xong, sát khuẩn rồi khai báo vào sổ đầy đủ các bước. Chị còn chứng kiến có một bác lớn tuổi, khi được yêu cầu quét mã mới vào cửa hàng, bác liền bảo: “Cháu ơi, trời đang mưa, bác cũng vội lắm, quét cái này bác không quen, bác chỉ vào mua mấy cục tẩy cho thằng cháu trai. Cháu lấy hộ bác đỡ phải vào, thông cảm cho bác nhé”.
Mặc dù chưa sẵn sàng quét mã để vào cửa hàng nhưng cách ứng xử của khách hàng này cũng rất lịch sự, cho thấy ý thức cộng đồng của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, trong lúc mua hàng, chị Minh vẫn thấy có nhân viên hỏi khách hàng là anh chị đã quét mã QR chưa? Nếu chưa họ nhẹ nhàng mời ra ngoài quét mã. Hầu hết mọi người khi được nhắc nhở đều tuân thủ, không có ý kiến gì. Họ quét xong lại vào mua hàng bình thường.
Khách hàng đến ADbook Ngọc Hồi vừa phải quét QR Code vừa khai báo thông tin |
Chị Minh cho rằng, nhiều người cũng như chị, chưa hề có thói quen quét mã này nhưng nếu được nhắc nhở và yêu cầu thì sẵn sàng thực hiện nhằm đảm bảo an toàn chống dịch, nếu chẳng may phát hiện ca F0 còn khoanh vùng kịp thời chứ nếu không dịch lại lây lan, lại giãn cách thì mệt mỏi lắm.
“Nếu phải lựa chọn giữa một hành động nhỏ là quét mã để có cuộc sống đi lại bình thường, được ra chợ, được mua sắm, được mua quần áo… và không quét để rồi chẳng may bùng dịch lại giãn cách, lại cấm thì chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại mà dơ điện thoại lên quét luôn”, chị Minh bộc bạch.
Hình thành thói quen mới vì cộng đồng
Khai báo y tế điện tử bằng mã QR là hình thức kết nối liên thông, bổ sung, cập nhật cho kho dữ liệu phục vụ công tác phân tích, truy vết và dự phòng, cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Nếu như việc khai báo bằng giấy khó đảm bảo cập nhật thông tin dịch tễ cũng như khó chủ động phát hiện trường hợp nguy cơ để thực hiện sàng lọc theo quy định thì mã QR giúp các cơ quan chức năng có thể phân tích, đánh giá tình hình liên tục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy vết khi cần thiết.
Tại TP Hà Nội, việc quét mã QR là điều kiện tiên quyết để thành phố cho phép các cửa hàng ăn uống, siêu thị, thời trang... hoạt động trở lại. Chính vì thế, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ điều này.
Chị Đào Thanh Huyền, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Tôi vẫn quét mã QR mỗi lần đi mua hàng. Hôm Chủ nhật vừa rồi nhà tôi vừa đi siêu thị Metro Hoàng Mai, nhân viên cũng yêu cầu quét mã. Tôi thực hiện ngay. Tôi thấy bây giờ hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, việc quét rất dễ dàng, cũng không mất thêm nhiều thời gian. Bỏ ra 1-2 phút mà an toàn cho cả người dân, thành phố thì tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều nên làm”.
Cùng chung quan điểm, anh Hoàng Trung Hiếu, sống tại Vạn Phúc, Ba Đình thì cho rằng cũng có chút bất tiện vì có lúc cũng không mang theo điện thoại nhưng anh cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.
“Hôm trước tôi chỉ mua một cốc cà phê 55 nghìn đồng ở quán cà phê Tote số ngõ 3 Vạn Phúc, chủ quán cũng bảo phải quét mã QR. Nói thật là ban đầu tôi cũng không thoải mái lắm vì có mua gì nhiều đâu, mua xong là tôi đi luôn vì nhà tôi cách cửa hàng có 20m. Nhân viên nói, anh không quét là cửa hàng em bị phạt nên tôi thực hiện luôn, không muốn vì mình mà ảnh hưởng đến người khác”, anh Hiếu cho biết thêm.
Việc quét mã QR của người dân sẽ giúp cho việc phòng chống Covid-19 của Hà Nội hiệu quả hơn |
Còn chị Nguyễn Thùy Dung, sống trên tầng 28, chung cư HH1A Linh Đàm cho biết, lâu rồi chị cũng không ra ngoài, hôm trước vừa xuống hiệu thuốc thấy chủ hiệu thuốc cũng bắt quét mã QR. Do là hiệu thuốc ngay dưới sảnh tòa nhà nên chị vội cũng không mang điện thoại hay giấy tờ gì nên không quét được.
“Tôi nghĩ các phương tiện truyền thông nên tuyên truyền rộng rãi hơn để người dân biết và mang theo điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân để hoàn thành việc khai báo theo quy định. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều này. Tôi nghĩ lâu dần cũng sẽ thành thói quen. Chúng ta không thể ở nhà mãi, giãn cách mãi, thói quen này sẽ giúp chúng ta học cách sống chung với Covid-19 một cách an toàn nhất có thể”, chị Dung thật lòng chia sẻ.
Có ai đó đã nói rằng, mọi thay đổi thường lộn xộn lúc ban đầu, khó khăn khi ở giữa nhưng sẽ đẹp đẽ khi kết thúc. Chính vì thế, để hình thành thói quen quét mã QR theo yêu cầu đối với người dân Thủ đô cũng cần có thời gian. Chỉ cần mỗi người dân đều ủng hộ và thực hiện quét mã QR khi đi mua hàng thì chắc chắn thói quen này sẽ được hình thành, duy trì và sẽ giúp cho công tác phòng chống Covid-19 của Hà Nội dễ dàng hơn rất nhiều nhờ vào một hành động nhỏ của mỗi công dân Thủ đô.
Vẫn biết rằng, đâu đó vẫn còn những người quên, vẫn còn những người cảm thấy không thoải mái khi phải quét mã QR vì lý do này lý do khác nhưng hãy bao dung với họ. Bằng chính thái độ nhẹ nhàng nhắc nhở, những lời nói “có lý” chắc chắn sẽ không có tình trạng “vượt rào” kém văn hóa trong việc thực hiện quy định này của cả chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và người mua hàng như đã từng xảy ra với các quy định khác trong công tác phòng chống dịch của thành phố.
(Còn nữa)