Chuyện nực cười và chuyện ở nhà Hồ Duy Hải
Bưu cục Cầu Voi, nơi 2 nữ nhân viên bị sát hại, bị bỏ hoang 12 năm nay |
Chuyện nực cười
Đấy là chuyện của tôi. Chả là cách đây ít ngày, tôi có một bài báo về Hồ Duy Hải. Bài này tôi không viết gì, ngoài mấy câu giao đãi khép mở. Tôi đưa nguyên văn bản hỏi cung đầu tiên chiều 20/1/2008. Bản này những người kết tội Hải đã giấu đi, không đưa vào hồ sơ vụ án. Nhưng tôi rất quan tâm đến bản khai này. Vì nó là bản khai sạch. Khi đó Hải chưa bị bắt, mà chỉ là người nghi có liên can. Bản khai ngày 21 là bản khai khi Hải đã bị bắt và Hải đã nhận tội. Nhưng tôi lại nghi ngờ bản khai này, vì khi đó Hải đã thành ông Chấn, ông Nén, ông Long rồi. Ông Chấn có 40 lần nhận tội, ông Nén 50 lần nhận tôi. Hải chỉ có 25 lần nhận tội, xem ra vẫn còn ít lắm so với tiền nhân. Tôi chú ý bản khai đầu tiên chỉ một tình tiết thôi: Hải không có mặt ở bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra vụ án. Hải là tay cá cược bóng đá. 9h, Hải điện cho Hồng hỏi báo bóng đá. Hồng bảo đã hết thì Hải không đến đó nữa. Vậy Hải ở đâu? Hải liệt kê rất cụ thể, chi tiết. Hải làm nhiều việc, có mặt ở nhiều nơi, nhưng Hải không đến bưu điện Cầu Voi. Điều này trùng khớp với biên bản khám nghiệm hiện trường: Có rất nhiều dấu vân tay hung thủ, nhưng không có dấu vân tay nào trùng với 10 dấu vân tay của Hải.
Tôi không cảm tính, không nói vu vơ. Tôi căn cứ vào bằng chứng Hải ngoại phạm. Những văn bản đó đều của công an. Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào quân đội và công an, kể cả Công an Long An. Họ phá án rất giỏi. Ngay sau ba ngày họ đã tìm ra nghi can rồi. Báo Công an Nhân dân, báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật và nhiều tờ báo khác thời ấy đều đưa tin lấy từ Công an Long An. Bây giờ, chúng ta bàn về vụ án này cũng vẫn căn cứ vào văn bản điều tra ban đầu của họ. Phải nói rằng, công an ta rất tài. Họ chỉ có lỗi khi đồng tiền bẩn hay thế lực hắc ám nào đó làm cho họ méo mó và xấu xí đi.
Khi tôi đưa lên trang cá nhân của mình biên bản này, lập tức trên mạng xã hội, ào ạt một chiến dịch tấn công “lão già rân chủ, ba que, ăn tiền của bọn phản động, chống phá đất nước”. Trận đánh của họ có mấy hướng chính. Một là nhục mạ với lời chửi bới rất thô tục. Họ tự vẽ chân dung mình đấy. Qua đó người đọc biết họ là ai. Cách thứ hai là mang cái chết ra dọa: “Thằng già câm mồm đi. Mày không biết bao người đã chết à?”. Thực tình, nói có giời, tôi chỉ thấy thương họ thôi. Họ chẳng hiểu gì lão già Trần Đăng Khoa cả. Lão đã chết năm lên 1 tuổi vì dịch tả, đã bó chiếu, đem chôn. Nhưng đến lúc xách lão đi chôn thì lão lại tỉnh lại. Rồi cứ sống nhăn răng cho đến tận bây giờ. Lão sống dai quá đến chính lão cũng đã chán lão. Đã ba lần lão sa vào ổ phục kích của cả ta và địch ở chiến trường Campuchia mà vẫn không chết. Nhà văn Xuân Đức cũng đã kể chuyện này. Còn bây giờ, lão luôn chờ Thần Chết, vì tò mò chẳng biết ông bạn vàng ấy mặt mũi ra sao. Lão đã có cả kịch bản về ngày vui hộ ngộ ấy và có cả thơ: “Bao năm ròng mệt mỏi - Xuống xứ này dong chơi - Giờ ta làm ngọn khói - Õng ẹo bay về giời!” Một bà lão xinh đẹp bảo: “Ông làm sao mà õng ẹo được. Ông phải ùng ục bay về giời”. Ùng ục hay õng ẹo thì cũng đều là mây khói cả. Lão cũng đã mua sẵn đất rồi. Rộng lắm. Những 10 mét cơ đấy. 10 mét cho 4 ngôi mộ. Hai vợ chồng ông anh lão là nhà thơ Trần Nhuận Minh, cô giáo Phạm Thị Diễm và hai vợ chồng lão. Mỗi người hai mét rưỡi. Thừa xây một ngôi mộ và còn có cả chỗ cho ai hảo tâm đến thắp hương.
Cách thứ ba là họ bịa đặt, vu cáo lão ăn tiền Việt Tân. Rồi họ bảo lão dốt, thi đại học chỉ được hai điểm văn. Họ làm sang cho lão đấy. Thực tình, lão còn không có bằng tốt nghiệp phổ thông. Lão đã thi phổ thông thông đâu. Đang học dở lớp 10 thì lão vào lính. 10 năm sau lão mới thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Lúc ấy lão mới về Sở Giáo dục Hải Dương xin giấy chứng nhận đặc cách tốt nghiệp lớp 10. Những học sinh đi lính khi đang học kỳ II lớp 10, đều có bằng Đặc cách. Rồi lúc ấy lão mới thi ba môn: Văn, Sử, Năng khiếu. Văn thày Vũ Lập chấm. Năng khiếu thày Chính Hữu chấm và Sử người chấm là thày Trần Quốc Vượng. Năm ấy 24 điểm đã đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài, mà lão lại đạt điểm tuyệt đối 30 điểm 3 môn, nên hết năm thứ nhất lão chuyển sang học tại Liên xô. Và lão học thế nào thì các vị đã biết trong chương trình “Thày trò Xô Việt” rồi.
Thật nực cười khi họ còn bảo lão bất mãn với chế độ. Rồi họ còn làm công tác địch vận: “Chú Khoa ơi, chú là thần tượng của cháu. Sao bây giờ chú lại trở cờ. Hãy quay lại với góc sân và khoảng trời đi, vẫn còn kịp đấy”. Rồi “Việc của mày là làm thơ con cóc. Còn việc của Đảng thì cứ để Đảng lo. Rõ chưa thằng già”. Ô hay, lão đang làm công việc của Đảng đấy chứ. Lão là Đảng viên. Chỉ còn một năm nữa là lão tròn 40 tuổi Đảng. Lão còn là Bí thư Đảng bộ cơ sở. Một trong những việc của Đảng là an dân, chống cái xấu, cái ác. Lão tình nguyện cùng nhân dân đứng bên cạnh người đốt lò vĩ đại, là TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự của ông: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Lão căm ghét và không đội trời chung với giặc ngoại xâm cướp biển cướp đảo và giặc nội xâm đang tàn phá đất nước này.
Chuyện ở nhà Hồ Duy Hải:
Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi vào TP. HCM chấm cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”. Tôi đã dành một buổi tối tìm về Long An, thăm gia đình Hồ Duy Hải. Người dẫn tôi đi là nhà báo Kiên Giang, phóng viên thường trú của Hội Nhà báo Việt Nam. Hóa ra họ hàng tử tù rất khá giả. Họ có cả ngàn mét đất. Mấy chị em đi làm ở Đài Loan nên có của ăn của để. Nhưng rồi họ đã bán hết để kêu oan cho Hải. Kêu ròng rã suốt hơn chục năm nay. Bây giờ thì mấy anh chị em đều kiệt quệ. Bà Loan đã bán hết nhà cửa ruộng vườn, giờ cùng con gái ở nhờ ông cậu trong căn nhà cấp 4 tồi tàn. Con gái bà, cô Thu Thủy đã ở tuổi 30 mươi, là một kế toán rất thông minh và xinh đẹp, nhưng đã bỏ việc để cùng mẹ kêu oan cho anh trai. Tôi bảo: “Cháu phải lấy chồng đi kẻo rồi lỡ đấy. Bây giờ cháu 30 tuổi thì phải lấy anh nào 35- 40. Đàn ông 35 -40 họ đều có vợ hết rồi. Nếu còn thì chỉ là những lão hâm hâm. Thế cháu định lấy chồng hâm à?”. “Có nhiều người thương cháu, muốn đến với cháu lắm. Nhưng cháu không nỡ. Vì lấy chồng, cháu phải chăm lo cho bố mẹ chồng, gánh vác công việc nhà chồng. Cháu lại đang cùng mẹ phải lo cho anh Hải nên không thể chu toàn, trọn vẹn được với nhà chồng nên cháu không lấy ai cả”. Thật tội nghiệp.
Mẹ và em gái Hồ Duy Hải |
Khác với cô con gái phây phây nõn nà, bà Loan gầy như một cái que. Người khô sắt lại. Hôm cơ quan chức năng báo ngày thi hành án, để gia đình đến nhận xác Hải, bà tá hỏa nhao về Hà Nội, kêu oan cho con. Nhưng đến nửa đường thì bà quay lại vì Chủ tịch Trương Tấn Sang đã hoãn việc giết Hải. Bà chỉ còn biết hướng lên trời, lậy ông Trương Tấn Sang. Đối với bà, ông là vị Phật sống, đã giơ tay tế độ cứu con bà. Bà coi ông như người đã sinh ra Hải lần thứ hai. Nếu Hải bị hành quyết, chắc bà làm ông Phước, lấy cái chết của mình minh oan cho con.
Tôi bảo: “Thím kém cô Giang, em gái anh một tuổi, Giang sinh năm 1962, nên anh cũng coi thím như em gái anh thôi. Em hãy tin vào Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tin vào Quốc hội, Viện Kiểm Sát và các cơ quan chức năng. Anh tin mọi việc rồi sẽ rõ ràng, chỉ có sớm hay muộn. Nhưng nếu Hải có tội thì chẳng ai cứu được nó”. “Thằng Hải là con em, em biết. Nó không biết làm điều ác. Chính vì thế cả họ hàng mới thương nó, mới bán hết mọi tài sản để có tiền cho em đi lại kêu oan cho cháu. Em rất tin Đảng, tin Chính phủ nên mới kêu oan, kêu suốt hơn mười năm nay. Nếu không tin thì em chẳng kêu làm gì, thôi đành xuôi tay rồi mẹ con em đi theo cháu. Coi đấy là sự oan nghiệt của số phận. Nhưng em tin. Em vẫn muốn tin…”
Bà khóc. Tôi trao bà ba triệu đồng, là toàn bộ số tiền thù lao của tôi trong mấy hôm chấm thi, để bà mua quà thăm Hải, nhưng bà kiên quyết không nhận. Bà không nhận tiền của bất cứ ai. Bà cũng không liên lạc với ai cả. Điện thoại của bà, bà đưa con gái giữ. Bà dặn con không trả lời bất cứ cuộc phỏng vấn nào của nước ngoài, dù người Tây hay người Việt.
Tôi thật sự kính trọng bà. Một người mẹ ám ảnh.