Cô gái trẻ biến phế thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ
Đặng Thị Hòa, cô gái trẻ biến phế thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ
Bài liên quan
Sinh viên Học viện Nông nghiệp giành “cơn mưa” giải thưởng ở bộ môn điền kinh
Tập trung chỉ đạo nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2019
Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Sức bật cho nông thôn mới Thủ đô
Học hỏi
Hòa sinh ra ở Thái Bình, quê lúa nổi tiếng cả nước. Thế nhưng những năm gần đây, cô gái phải chứng kiến cảnh người dân bỏ ruộng đồng vì trồng lúa cho thu nhập thấp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết, cây giống…. Đặc biệt là những mảnh đất đang dần chai sạn vì tập quán canh tác sử dụng quá nhiều hoá chất. Hơn ai hết, Hoà hiểu được sự ảnh hưởng tiêu cực của cách canh tác này tới chính người nông dân.
Hòa luôn muốn làm điều gì đó để góp phần giúp cuộc sống người dân bớt khó khăn. Vì vậy, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô gái trẻ đã chú trọng tích lũy cả kiến thức và kỹ năng bằng việc tích cực tham gia các hoạt động tập thể.
Ra trường, Hòa xác định mục tiêu làm việc cho các công ty khởi nghiệp để tích lũy kinh nghiệm quản lý và chuẩn bị tài chính thực hiện kế hoạch của riêng mình. Trong thời gian làm việc tại một doanh nghiệp xã hội về thực phẩm sạch, cô gái trẻ tình cờ biết đến phân tằm và những đặc tính hữu ích của nó đối với cây trồng và đất. Hòa đã mơ ước phát triển một loại phân hữu cơ, tốt cho cả cây, đất và con người.
Ý tưởng đó được Hòa ấp ủ và dành nhiều thời nghiên cứu. Cô vừa làm vừa tranh thủ thời gian tới vùng trồng dâu nuôi tằm để khảo sát và xin phụ phẩm về nghiên cứu với sự hướng dẫn của các thầy cô chuyên gia. Mặt khác, Hòa tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng để biến ý tưởng thành hiện thực.
“Dù phải trải qua rất nhiều khó khăn nhưng may mắn mình có được sự đồng hành, ủng hộ của những người bạn nhiệt huyết. Chúng mình đã tạo ra những loại phân bón hữu cơ với quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào khác biệt để phục vụ ngành nông nghiệp” – Hòa chia sẻ.
Đặng Thị Hòa (thứ hai từ trái sang) cùng những người bạn luôn mong muốn góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững |
Năm 2017, Hòa và những người bạn đã thành Công ty cổ phần Phân bón hữu cơ Tasa Việt Nam, với mục tiêu góp phần vào nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo yếu tố kinh tế, sức khỏe cho người dân, nông sản sạch tới người tiêu dùng và không gây hại đến môi trường sinh thái (nguồn đất, nước, không khí và đa dạng sinh học). Hai dòng sản phẩm chính của công ty đều được sản xuất từ những phế phẩm của ngành nông nghiệp: phân tằm Tasa-Garden (được ủ từ phân tằm tự nhiên) và phân hữu cơ từ những chất thải khác với ưu điểm bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người trồng cây.
Lợi ích cho người nông dân
Việc tạo ra sản phẩm mới chỉ là bước đầu trong quá trình khởi nghiệp của cô gái trẻ. Làm sao để thị trường đón nhận sản phẩm mới là bài toán khó với những người trẻ như Hòa. Cô gái trẻ và những người bạn đã phải mày mò tìm số điện thoại của từng nhà vườn, gõ cửa các đại lý để thuyết phục khách hàng trải nghiệm loại phân mới. Thậm chí, thời gian đầu chính những người nông dân ở Thường Tín (Hà Nội), nơi công ty đặt xưởng sản xuất cũng chưa tin tưởng vào loại phân bón mới này.
Kiên trì, bền bỉ giới thiệu sản phẩm, Hòa cùng những người bạn đã dần dần chứng minh được sản phẩm phân bón hữu từ phân tằm không chỉ là nguồn dinh dưỡng sạch cho cây mà còn góp phần cải tạo những thửa đất trồng rau đã chai, bạc màu. Tiếng lành đồn xa, dần dần sản phẩm đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
Phân hữu cơ được làm từ phế thải nông nghiệp |
Với mong muốn mang đến nhiều lợi ích cho người nông dân, Hòa phối kết hợp cùng họ để sản xuất phân bón hữu cơ. Trong đó, người nông dân sẽ trực tiếp thu gom phế phẩm nông nghiệp như phân gà, bò… bán lại cho công ty. “Công việc này không đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao mà phụ nữ, người già đều có thể làm được. Vì thế, người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp” – Hòa cho biết.
Hiện nay, mô hình này đã được Hòa áp dụng tại huyện Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội), dự kiến trong thời gian tới sẽ là Mộc Châu (Sơn La) và tỉnh Thái Nguyên. Trong suốt quá trình gây dựng và phát triển, Hòa luôn chú trọng đến 3 tiêu chí: con người, môi trường và tính bền vững. Việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp như phân tằm, phân gà, bò để tạo thành phân hữu cơ sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề của xã hội như tránh xả phế thải trực tiếp ra môi trường.
Mặt khác, nó cũng góp phần giúp người nông dân trồng dâu nuôi tằm có thêm thu nhập, bảo tồn nghề truyền thống của người Việt. “Chúng mình hi vọng, từ chính những nỗ lực của người trẻ sẽ góp phần thay đổi ý thức làm nông nghiệp của người nông dân. Từ đó, chúng ta sẽ góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai” – Hòa tâm sự.