Cô giáo trẻ vùng cao nặng lòng với các “em nuôi”
Công tác tại trường THPT Phan Đình Giót, thành phố Điện Biên Phủ, nơi có tới hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số đến từ vùng sâu, vùng xa, cô giáo Nguyễn Thị Hà đã phải chứng kiến những ngày mùa đông nhiều học sinh phải co ro trong manh áo mỏng. Hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, nhút nhát, co ro vì cái lạnh của mùa đông khiến cô Hà không khỏi xót thương, trăn trở, từ đó, cô quyết tâm tìm cách giúp đỡ những “mảnh đời” trên non.
Cô Hà tâm sự: “Với mỗi đứa trẻ vùng cao, tôi đều mong chúng có được cuộc sống đầy đủ, ăn no, mặc ấm, chăm sóc và bảo vệ bình đẳng… nhưng điều đó quá lớn. Nên chỉ có thể kết nối hỗ trợ với từng trường hợp cụ thể, thật sự đặc biệt.
Ban đầu, ở nhà có quần áo, giầy dép, sách vở cũ, tôi đều gói gém cẩn thận mang cho các em nhỏ. Cuối tuần rảnh tôi lại làm một vài món ăn, khi thì kho nồi cá, khi rang ít thịt... Dần dần, tôi đi xin thêm từ bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Lần nào cũng phải nói rất khéo để các em đỡ ngại khi nhận...”.
Cô Nguyễn Thị Hà cùng các em nhỏ vùng cao |
Quan tâm đến tất cả các em học sinh của mình bằng tình thương yêu, tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, từ đó kết nối tìm hỗ trợ phù hợp. Rất thật và chân thành, việc làm thiện nguyện của cô giáo Hà đã chạm đến trái tim nhiều người, các nhà hảo tâm đã chủ động đăng ký hỗ trợ lâu dài hơn cho các em. Và thế là Dự án “em nuôi” ra đời.
Cô Hà thường xuyên đến các bản vùng sâu, vùng xa khó khăn để trao quà và hỗ trợ. Mỗi chuyến đi, cô đều dành thời gian để thăm các hộ dân quanh đó, nắm bắt và ghi lại các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Với mỗi trường hợp trước khi quyết định gửi thư kêu gọi hoặc xin hỗ trợ, cô Hà đều trực tiếp đến tận nhà, gặp đại diện bản, chính quyền địa phương để xác minh.
Em Lò Thị Nguyệt Nhi, bố bị tai nạn giao thông mất từ khi em còn chưa sinh ra, mẹ vất vả nuôi em ăn học đến năm 11 tuổi thì cũng bệnh nặng qua đời. Em được cậu mợ nhận về nuôi dưỡng. Nhưng hoàn cảnh của cậu mợ cũng khó khăn, sức khỏe yếu, nên khả năng em chỉ có thể học hết lớp 9 rồi phải nghỉ học. Biết vậy, cô giáo Hà đã hỗ trợ kinh phí học tập, động viên Nhi tiếp tục đi học và giúp em có thêm động lực để phấn đấu. Năm học vừa rồi, em đạt học sinh giỏi. “Nếu không gặp cô Hà, có lẽ giờ này em cũng lấy chồng, sinh con như một số người trong bản”, em Nhi tâm sự.
Học sinh nghèo vùng cao nhận hỗ trợ từ dự án "Em nuôi" |
Em Giàng A Say, người Mông, sinh ra tại xã biên giới Nà Bủng, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Từ nhỏ, Say không biết mặt bố, còn mẹ em sang bên kia biên giới làm thuê rồi cũng mất liên lạc luôn. Say sống trong sự đùm bọc của gia đình người cậu ở Yên Bái. Gia đình cậu cũng khó khăn, lại đông con nên không còn khả năng lo kinh phí cho em tiếp tục đi học. Trong lúc loay hoay, buồn chán thì Say gặp cô giáo Hà. Với sự khuyên bảo, hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của cô Hà, tháng 9/2021, Say nhập học tại Trường THPT Phan Đình Giót.
Vì khu nội trú nhà trường đã kín chỗ, Say phải thuê trọ bên ngoài. Khoản tiền hỗ trợ từ chế độ của học sinh theo quy định cũng không đủ trang trải, thế nên thời gian đầu, cô Hà đã trích lương của mình để hỗ trợ Say trả tiền trọ, mua đồ dùng thiết yếu và dụng cụ học tập. Lâu dần, cô kết nối được với nhà từ thiện để hỗ trợ Say mỗi tháng 500 nghìn đồng và nhu yếu phẩm đảm bảo đủ cho sinh hoạt, vì thế em yên tâm tập trung học tập.
Vẫn còn nhiều nữa những “mảnh đời” trẻ em thiệt thòi ở vùng cao đã được “chị nuôi” Nguyễn Thị Hà yêu thương, kết nối. Có những hôm, cô Hà phải vượt hơn 30km trong trời tối để mang cá, thịt, trứng, bánh, sữa, mắm, súp, mì… đến các “em nuôi”. Đường xa, mưa sập sùi, nhưng biết rằng tháng nào các bé cũng mong ngóng, nên cô cứ đi. Cô luôn mong muốn có thể hỗ trợ các em đến lúc lớn khôn, trưởng thành và thoát khỏi cái nghèo.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà đến thăm hỏi và động viên học trò |
Không chỉ giúp đỡ, cưu mang các em nhỏ, cô giá Hà còn chia sẻ thông tin, chương trình thiện nguyện lên các trang mạng xã hội để lan tỏa tấm lòng thiện nguyện đến các nhà hảo tâm, các “mạnh thường quân”. Đến nay, dự án của cô đã kết nối, hỗ trợ được hơn 20 trường hợp ở nhiều địa bàn khó khăn trong tỉnh Điện Biên. Hàng tháng, mỗi em được nhận kinh phí từ 500 nghìn – 1 triệu đồng, cùng nhu yếu phẩm. Hiện tại, “em nuôi” nhỏ nhất mới 3 tuổi và em lớn nhất 17 tuổi, đa phần là trẻ mồ côi, bệnh tật.
“Tôi đưa lên không phải để khoe mẽ, mà mục đích chính là báo cáo với các nhà từ thiện về những trường hợp mà họ hỗ trợ. Đồng thời, cũng nhờ sức mạnh của mạng xã hội để kết nối nhiều hơn những tấm lòng để có thêm những mảnh đời thiệt thòi được nhận nuôi... Mỗi câu chuyện, hoàn cảnh, cứ ám ảnh như thế khiến tôi không để dừng lại. Nhưng chặng đường này còn dài, tôi cần thêm những tấm lòng đồng cảm, sẻ chia”, đó là những dòng trạng thái cô Hà chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình.