Có làm khó nhà đầu tư điện gió?
Nhà đầu tư điện gió đang "đứng ngồi không yên" vì phải bổ sung hồ sơ liên quan đến phòng cháy chữa cháy |
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, theo công bố mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 15/10/2021, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5655,5MW đăng ký thử nghiệm thì mới chỉ có 11 nhà máy với tổng công suất 443MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD).
Như vậy, chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa là đến hạn ngày 31/10/2021 để 95 nhà máy điện gió còn lại chạy đua tiến độ được công nhận COD, hưởng mức giá FIT (ưu đãi) cho điện gió trên biển 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng).
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, việc thí nghiệm công suất tại nhiều dự án điện gió đã hoàn thành, song vẫn chưa được công nhận COD, được huy động trên hệ thống điện hàng ngày, nguyên nhân là do thiếu hồ sơ liên quan đến phòng cháy chữa cháy.
Được biết, vài ngày qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã gửi văn bản tới một số nhà đầu điện gió để thu hồi các thông báo trước đó của mình liên quan đến kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng và chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Đến ngày 15/10, mới có 11/106 nhà máy điện gió được công nhận COD |
Theo đó, sau khi rà soát hồ sơ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thấy việc ban hành một số thông báo cụ thể tới các dự án điện gió có thiếu sót về nội dung quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy.
Do đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã quyết định thu hồi các thông báo được ban hành trước đó về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và chấp thuận kết quả nghiệm thu của một số nhà đầu tư điện gió.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị nhà đầu tư điện gió sau khi có văn bản của cấp thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định cho các công trình/hạng mục công trình hoàn thành thì báo cáo Cục để xem xét, giải quyết theo quy định.
Đáng nói, việc Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo quyết định thu hồi các thông báo liên quan đến kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng và chấp thuận kết quả nghiệm thu khiến một số nhà đầu tư điện gió bức xúc, bởi chỉ còn vài ngày nữa để chạy nước rút về đích trước ngày 1/11/2021 mà lại yêu cầu phải văn bản kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy khiến họ trở tay không kịp.
"Đồng ý là việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là đúng nhưng phải có kế hoạch và hướng dẫn từ trước. Nghiệm thu xong rồi và đã có thông báo chấp thuận, giờ lại hủy kết quả và yêu cầu bổ sung kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy trong khi chỉ còn có ít ngày nữa là hết hạn thì quá là làm khó chúng tôi", đại diện một nhà đầu tư điện gió chia sẻ.
"Như vậy rõ ràng là đánh đố chúng tôi, cách giải quyết tốt nhất bây giờ là gia hạn thời gian hưởng giá FIT thêm 3-6 tháng để nhà đầu tư vừa có thời gian hoàn thành các hạng mục, điều kiện để vận hành thương mại sau thời gian ngưng trệ vì dịch bệnh. Nếu không thì cũng có thể chấp hành vận hành thương mại trước, còn hồ sơ bổ sung sau", đại diện một nhà đầu tư bày tỏ.Theo các nhà đầu tư điện gió, việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cho các dự án cũng không phải ngày một ngày hai là xong, trong khi chỉ còn có vài ngày nữa là hết hạn hưởng giá FIT. Nếu không kịp hoàn thiện hồ sơ để đủ điều kiện công nhận COD trước ngày 31/10/2021 thì nhà đầu tư sẽ gặp vô vàn khó khăn do chưa thể bán điện để trả nợ các khoản vay.
Trước đó, ngày 7/10, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có văn bản gửi các nhà đầu tư dự án điện gió một số vấn đề liên quan đến công tác nghiệm thu công trình để được công nhận ngày vận hành thương mại trước thời hạn 1/11/2021.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ về Quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, để đưa vào khai thác sử dụng, công trình, hạng mục cần được nghiệm thu theo quy định; và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Nghị định 06 cũng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra theo nội dung quy định và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định.
Theo mẫu thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng, một trong những căn cứ chấp thuận hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng là “văn bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy".
Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định chủ đầu tư phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt thiết kế trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao.
Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.
Do đó, để cơ quan chuyên môn về xây dựng trong lĩnh vực điện lực thuộc Bộ Công thương hoặc UBND cấp tỉnh có cơ sở xem xét và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, đưa công trình điện gió vào sử dụng theo đúng, đủ quy định của pháp luật, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị chủ đầu tư các dự án điện gió khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu theo quy định, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ra văn bản chấp thuận nghiệm thu trước ngày 1/11/2021.