Có một ngôi làng “treo” cả thập kỷ nằm ven sông Cẩm Lệ Đà Nẵng
Làng Gốc đang được thay thế bởi cái tên “làng treo” |
Những hộ dân còn lại của Làng Gốc mong mỏi được tái định cư gần làng cũ nhằm tiện việc hương quả đình làng và bám trụ với nghề sông nước đã gắn bó bao đời, sau khi Làng đã bị "treo" cả thập kỷ.
Làng “treo” hơn một thập kỷ
Mỗi sáng, gia đình 3 thế hệ của bà Nguyễn Thị Hồng (tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã quen với cảnh các xe tải chở than đen xì tấp vào dãy nhà cấp 4 cũ kỹ nằm gần bờ sông Cẩm Lệ để tập kết.
“Đó, từ khi làng bị treo là kho than này “tra tấn” 8 người trong gia đình tôi bởi bụi bặm bay tứ tung. Đến nỗi, bụi than đen xì phủ đầy ắp cả mặt đường đất dài cả cây số đã xuống cấp từ đời nào. Dãy nhà này, người dân đã bỏ chạy hết cả rồi. Giờ dân nơi khác tới thuê rồi tập kết than gây ô nhiễm, nhưng chẳng thấy chính quyền tới xử lý gì cả” – bà Hồng chép miệng, rồi đi bộ ra dọn quán nhậu được đứa con trai dựng xập xuệ hơn 1 tháng nay bán cho mấy khách quen để mưu sinh qua ngày.
Đi dọc con đường đất lởm chởm xà bần, từ chân cầu Cẩm Lệ ra phía ngoài, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tiêu điều của một vùng quê trước đây vốn trù phú bởi đồng lúa, làng chài mà người dân quen gọi là Làng Gốc.
Qua khỏi cống bê tông, mùi hôi từ con mương dẫn ra sông càng trở nên nồng nặc khiến chúng tôi phải bịt mũi rồi đi thật nhanh qua.
Bà Hồng dang tay chỉ về cánh đồng đang dày đặc cây ma dương bao phủ hơn 22 hecta đất ruộng rồi kể: “Đất này một phần người dân đã nhận tiền đề bù rồi đi chỗ khác định cư. Phần còn lại mặc dù chưa kiểm kê nên cây dại mọc đầy là chuyện bình thường. Dân nơi đây không còn mặn mà với cây lúa mà chuyển sang nghề làm thuê, đi buôn đủ thứ bên thành phố” – bà Hồng buồn rầu.
Con kênh bị ô nhiễm nặng nề ở Làng Gốc |
Vào năm 2008, khu vực Làng Gốc với hơn 300 nóc nhà được chính quyền quận Cẩm Lệ vận động di dời, giải tỏa, tái định cư để nhường đất cho một dự án. Do quá trình đền bù tiền cho dân không thỏa đáng, số hộ chấp nhận đi chỗ khác có hơn 100 hộ. Số còn lại khoảng 200 hộ dân vẫn bám trụ tại làng.
Nói về đền bù, bà Hồng dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cấp 4 ọt ẹp rồi lôi hàng chục bản giấy tờ liên quan đến kiểm định giá đất lẫn nhà ở. “Họ nói nếu nhận tiền hơn 650 triệu đồng cho hơn 220 m2 của gia đình thì sẽ nhận được 1 lô đất đường 10,5 ở cuối đường Văn Tiến Dũng để làm nhà mới. Nếu gia đình nhận thì có đất nhưng tiền đâu xây nhà mới vì trong tay chỉ còn hơn 200 triệu. Số này, chỉ tính việc xây móng nhà cũng không đủ rồi” – bà Hồng ấm ức.
Hơn 100 hộ của Làng Gốc đã chấp nhận đi chỗ khác để nhường đất cho dự án. |
Người dân Làng Gốc hiện còn đến gần 200 hộ vẫn bám trụ tại đây để mưu sinh qua ngày. Ai cũng muốn tái định cư nhưng chính quyền phải bố trí đất gần làng nhằm tiện việc hương hỏa đình làng và bám trụ với nghề sông nước đã gắn bó bao đời nay.
Theo người dân địa phương thì, diện tích đất trống đang rộng đến hơn 22 hecta, đa phần là đất ruộng. Nhiều lần, người dân đề xuất yêu cầu cơ quan chức năng đổ đất dọc tuyến đường Đinh Gia Trinh để mở một con đường nhỏ mới. Dọc 2 bên là khu vực mới cho dân định cư lâu dài.
“Hơn 1 năm nay, chúng tôi bị chính quyền gọi lên 3 lần để vận động di dời đi nơi khác, nhưng không hề đề cập đến đề xuất trên của dân. Họ chỉ muốn dân đi sớm chừng nào thì tốt chừng ấy. Làng đã "treo" hơn 11 năm nay khiến cuộc sống chúng tôi khốn đốn vì phải bươn chải công ăn chuyện làm. Giờ, chỗ ở vẫn chưa ổn định thì không biết con cái sau này sẽ ở đâu?. Nghĩ đến cảnh này, ai cũng than khổ và mệt cả”- bà Phan Thị L., vừa dừng xe đạp kể chuyện rồi vội đạp xe ra khỏi con đường đất để lên cầu Cẩm Lệ, kịp cho việc đi chợ.
Nuôi cá rồi bỏ cả lồng bè vì… lỗ nặng
Nhiều người dân muốn tái định cư chỗ mới, nhưng do chưa an tâm về chỗ ở lâu dài nên vẫn bám trụ ở đây để tiếp tục chờ. “Trước sau gì chúng tôi cũng đi cả. Nhưng đi chỗ mới để có việc làm ổn định là điều vô cùng khó. Tập quán, nghề cũ… không còn thì dân tiếc lắm. Ai cũng muốn thì phố khang trang, đẹp đẽ từng ngày nhưng cũng phải quan tâm người dân có cuộc sống ổn định sau khi tái định cư". - Một người dân nói.
Do nằm cạnh con sông Cẩm Lệ, khoảng 10 hộ dân nằm trong làng "treo" đánh liều khi đi vay tiền quanh để lấy vốn nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, các hộ lại bỏ giữa chừng vì nước sông ô nhiễm, cá chết trắng lồng. Ai cũng tiếc nuối vì tài sản mất trắng rồi quay lại với nghề đi đánh cá để kiếm sống qua ngày.
Theo người dân, hiện dưới chân cầu Cẩm Lệ chỉ còn vài hộ tiếp tục đánh cược với nghề nuôi cá lồng bè. “Nghề bấp bênh vì dựa vào con nước. Đồng vốn bỏ vô hàng trăm triệu đồng, đến khi thua lỗ thì phải chạy tiền trả nợ khắp nơi rất khổ” – anh Phan Văn T. kể với giọng buồn rầu.
Làng Gốc hiện còn gần 200 hộ vẫn bám trụ tại đây |
Dự án "treo" cả hơn thập kỷ đã khiến người dân khốn khổ, nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó, tình trạng nước thải tấn công người dân suốt hơn 3 năm nay, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng chưa từng thấy.
Chỉ tay ra khu vực mương nước thải đen ngòm đang chảy ra sông Cẩm Lệ dài gần 1 km, ông Đỗ K. (phường Hòa Xuân), bức xúc: “Trời nắng là mùi hôi thối nồng nặc tấp thẳng vào nhà nên dân phải đóng cửa cả ngày. Còn mùa mưa thì người dân phải bỏ chạy vì nước thải chảy tràn vào nhà. Nhắc đến nước thải, người dân ai cũng ngán ngẫm” – ông K. than thở.
Theo ông K., tình trạng trên đã được người dân báo lên chính quyền cả chục lần nhưng không được xử lý. “Cách đây 3 năm, thấy nước thải tuôn ra quá nhiều, người dân lấy cát ra lấp để ngăn nước thải chảy tràn vào khu dân cư. Chính quyền vào cuộc xử lý nhưng vụ việc lại đâu vào đó” – ông K. kể.
Ngoài đồng, rừng cây ma dương vẫn mọc và cao lớn từng ngày. Làng Gốc đang được thay thế bởi cái tên “làng treo”