Có một vị bia “huyền thoại” trong lòng người Miền Tây
Có một bia Sài Gòn trong mắt du khách |
Nói bình dân, gần gũi vì giờ đây, đâu đâu ở Miền Tây, từ bác nông dân sau vụ thu hoạch lúa, thu hoạch tôm… tới người làm chủ doanh nghiệp này, công ty nọ đều uống bia Sài Gòn như để giải khuây và chúc mừng thành quả sau bao tháng ngày vất vả.
Có thể nói, bia Sài Gòn - người Miền Tây là một sự kết hợp độc đáo và tuyệt vời. Bởi bia Sài Gòn và người Miền Tây là hai đặc trưng văn hóa của Miền Nam Việt Nam. Sự kết hợp vô tình nhưng có vẻ “định mệnh” này đã mang đến cho du khách không chỉ trong và ngoài nước những trải nghiệm đặc biệt, thú vị mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Bắt nguồn từ những mẻ bia đầu tiên được sản xuất tại một xưởng nhỏ có địa chỉ 187 Nguyễn Chí Thanh, Sài Gòn năm 1875 với cơ sở vật chất thô sơ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cơ sở này đã được Công ty Rượu bia Miền Nam tiếp nhận vào năm 1977 và lấy tên là Nhà máy bia Sài Gòn. Từ đây, một thương hiệu bia huyền thoại chính thức ra đời và ghi dấu.
Người Miền Tây, với cuộc sống đơn giản, chân chất, thể hiện đậm đà trong cách sống, văn hóa và cả nghệ thuật. Họ luôn mang trong mình sự hồn nhiên, cởi mở, tạo nên nét duyên dáng của con người và vùng đất, nhất là khi có “chất men” xúc tác. Mỗi khi có khách đến chơi, người dân Miền Tây luôn hết lòng đối đãi, ân cần chăm sóc và chia sẻ sự quý mến, yêu thương. Đặc biệt, rượu hay bia là món không thể thiếu trong cuộc tiếp đón với lòng hiếu khách ấy.
Cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, canh chua mẻ cá linh, lẩu cá kèo lá giang, cua rang muối, tôm hấp bia, ốc hấp sả, hay chuột đồng quay lu… là những món đặc trưng, rất Nam Bộ. Khi kết hợp những thứ ấy với bia Sài Gòn và hát đờn ca tài tử thì ngon “hết nước chấm”. Tất cả tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo, lãng mạn, đầy cảm hứng giữa hương vị của bia và sự đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ. Đây là trải nghiệm thực sự độc đáo và không thể quên trong lòng bất kỳ du khách nào.
Có thể nói, trải qua gần 150 năm, bia Sài Gòn giờ không chỉ đơn thuần là một loại thức uống mà còn là một phần ký ức và cuộc sống của người dân Miền Tây.
Còn nhớ, thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà nào có đám tiệc mà đãi bia Sài Gòn thì phải gọi là nhà quyền quý, cao sang, chủ cả (chứ không gọi “đại gia” như bây giờ). Không chờ tiệc tàn, nắp bia vừa khui ra liền được lũ trẻ trực chờ sẵn mang đi đập dẹp ra rồi đục 2 lỗ nhỏ để xuyên dây qua làm con quay. Món đồ chơi bình dị thế thôi nhưng lại rất xa xỉ và lắm đứa phải ôm đi ngủ vì sợ “mất trộm”.
Phải nói thêm, bên cạnh bia Sài Gòn thì bánh mì Sài Gòn cũng là một món ăn quen thuộc với người Miền Tây. Cứ mỗi dịp ai đó đi Sài Gòn thì y như rằng tiếng rao “bánh mì Sài Gòn…” sẽ khiến người về không thể cưỡng lại được và thế là phải mua làm quà cho con cháu, người thân.
Bia Sài Gòn - cái tên đã đủ để khơi gợi hình ảnh mênh mông, trầm lắng của dòng sông Sài Gòn, cội nguồn thời gian và văn hóa hơn 300 năm mở cõi của vùng đất Nam Bộ. Do đó, điểm đặc biệt của bia Sài Gòn cũng là hương vị đặc trưng mà con người, mạch nước và đất Miền Nam gửi gắm vào đó ngay từ thuở sơ khai ra đời.
Qua thời gian, bia Sài Gòn đã trở thành biểu tượng văn hóa không chỉ của người Sài Gòn mà còn gắn bó thân thiết với Miền Tây thân yêu, là nguồn cảm hứng bất tận của bao thế hệ người Việt. Từ bức tranh về đời sống thường nhật cho đến các nguyên tắc và truyền thống, bia Sài Gòn không chỉ là một loại đồ uống mà còn là biểu tượng của sự trung thành, gắn bó, lòng tri ân và sự đoàn kết của người dân vùng đất này. Đó là sự giao thoa tuyệt vời giữa hai nền văn hóa - văn hóa ẩm thực và văn hóa con người lâu đời và bia Sài Gòn xứng đáng trở thành một phần của trái tim, của tâm hồn người Miền Tây.
Bia Sài Gòn giờ đã cải tiến và liên tục “làm mới mình” với nhiều dòng bia khác nhau nhưng cũng như người Miền Tây, cái hồn cốt thuần túy đi vào huyền thoại của sự bình dị, phóng khoáng vẫn giữ vẹn nguyên. Tất cả đã tạo nên một thương hiệu với chặng đường kỳ diệu và đầy khát vọng của những con người luôn muốn khai phá những điều tuyệt vời và mới mẻ nhất.