Có tình trạng buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ Giải pháp nào ngăn chặn nạn thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu tràn lan? |
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi 24 cơ sở sản xuất thuốc nhập khẩu nguyên liệu về việc báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose.
Theo Cục Quản lý dược, trong thời gian gần đây, cơ quan này đã cấp phép nhập khẩu cho một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) của các cơ sở sản xuất thuốc để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm và sản xuất thuốc xuất khẩu.
Trong các văn bản đồng ý nhập khẩu, Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu thông trên thị trường; cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác; thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.
Vì thế, Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc sử dụng các nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu trên đúng mục đích theo văn bản đồng ý nhập khẩu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose.
Thời gian qua, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc |
Đồng thời, các cơ sở thực hiện việc báo cáo, cập nhật trong vòng 24 giờ kể từ khi có thay đổi (tăng, giảm) về số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) và gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng các nguyên liệu hoặc khi có sự thay đổi.
Trong một diễn biến khác, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, một số đối tượng vì trục lợi, bất chấp pháp luật tìm mọi cách để buôn lậu các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, có đối tượng đã làm giả, hoặc buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thuốc giả chữa trị khi bị nhiễm Covid-19. Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các lô hàng thuốc được quảng cáo có thể điều trị Covid-19 nhập lậu.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hiện các đầu nậu có thể đưa mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua đường hàng không. Song, không loại trừ việc các đối tượng vận chuyển qua biên giới đường bộ thông qua các đường mòn, lối mở hoặc gian lận trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa.
Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, Bộ Y tế cần công khai các tổ chức được phép nhập khẩu các mặt hàng thuốc hỗ trợ để điều trị cho người bệnh bị nhiễm Covid-19.
Đồng thời, Bộ Y tế cần phối hợp với các đơn vị truyền thông, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hiện nay trên thế giới chưa có thuốc đặc trị cho người bị nhiễm Covid-19.
Theo các nhà chuyên môn, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV- 2 gây ra, vì vậy, một số thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được virus, nên người dân không tự ý mua các mặt hàng thuốc được cho là có thể điều trị được khi bị nhiễm Covid-19 để điều trị tại nhà rất nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.
Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 như đã khuyến cáo là chưa có tiền lệ trong lịch sự dịch tế y văn thế giới, do vậy chưa có một phác đồ điều trị cụ thể. Được biết, hiện nay, các loại thuốc mà Bộ Y tế cho phép dùng để điều trị khi bị nhiễm Covid-19 vẫn chỉ mang tính hỗ trợ.
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến vận chuyển hàng hóa từ nước có rủi ro cao để đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới lợi dụng đưa các mặt hàng thuốc nêu trên về Việt Nam tiêu thụ, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thuốc điều trị nhiễm Covid-19 giả.
Theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 57 và điểm c, khoản 8, Điều 57 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Sản xuất và đưa ra lưu hành tại Việt Nam thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, trừ trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải đăng ký trước khi lưu hành theo quy định của pháp luật. Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b, đ khoản 5 và các điểm a, c khoản 6 Điều này”. |