Coi chừng mất mạng vì rượu giả
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc rượu nhập khẩu.
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhu cầu tiêu thụ rượu bia của người dân lại tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, các cơ sở kinh doanh rượu bia đã tăng cường buôn bán các loại mặt hàng này. Từ những chai rượu có giá vài chục ngàn đến cả chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng được bày bán rộng rãi khắp các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, người dân rất khó để phân biệt đâu là rượu thật, đâu là rượu giả.
Chiều ngày 21/12/2016, Đội 2 Phòng 7 - Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một cơ sở nhà xưởng có dấu hiệu sản xuất, đóng gói rượu kém chất lượng tại thôn Cao Viên, xã Đình Vỹ, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện hàng ngàn chai rượu với nhiều nhãn mác, kiểu dáng, chủng loại khác nhau. Trong quá trình kiểm tra, chủ cơ sở này đã không thể đưa ra các giấy tờ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các loại vỏ chai, nguyên liệu sản xuất, lên men rượu... Đồng thời phát hiện tại cơ sở này, nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất như lên men rượu thủ công, lạc hậu và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, quy trình đóng gói cũng có nhiều dấu hiệu sai phạm. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu và cho niêm phong toàn bộ sản phẩm của cơ sở này để tiến hành xét nghiệm, hoàn tất hồ sơ xử lý.
Chính những đối tượng sản xuất và buôn bán các loại rượu giả trên đã đẩy người tiêu dùng vào một mối nguy hiểm khôn lường - ngộ độc rượu. Những năm gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn cả nước đã tiếp nhận rất nhiều các ca ngộ độc rượu. Thậm chí, có những ca mặc dù đã được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do ngộ độc rượu quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.
Cách đây không lâu, Trung tâm Chống đốc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện Mộc Châu (Sơn La) đến cấp cứu trong trình trạng huyết áp tụt, hôn mê sâu, não tổn thương rất nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nạn nhân bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu. Do bệnh tình của bệnh nhân đã diễn biến rất nặng, không thể cứu chữa được nên gia đình đã xin đưa về quê để lo hậu sự.
Theo các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị ngộ độc methanol, một loại cồn công nghiệp. Ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Các ca ngộ độc rượu thường tăng lên vào thời điểm trước và sau Tết.
Hầu hết trường hợp ngộ độc nặng đều do uống rượu trắng. Vì thế, rất có thể rượu tự nấu đã được pha thêm cồn công nghiệp hoặc thậm chí chỉ pha riêng cồn công nghiệp. Say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Để phòng ngộ độc rượu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo: Ngộ độc rượu đứng hàng thứ 3 gây tử vong sau tim mạch và ung thư. Trong đó, rượu pha cồn công nghiệp methanol là chất cực độc cho con người trong quá trình sử dụng. Khi uống vào methanol cũng như các loại rượu thông thường, nhưng sau 1-2 ngày, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mờ mắt, rồi xuất hiện trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc dẫn đến tử vong. Điều đáng ngại là không thể nhận biết rượu methanol bằng mắt thường hay uống thử.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì rượu là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt là vào thời điểm giáp Tết. Thời gian gần đây, nhiều loại rượu ngoại giả được sản xuất ngay trong nước với nguyên liệu là rượu rẻ tiền cộng nước đường, hương liệu, sau đó đóng vào chai thật, nhãn mác thật. Rượu giả còn được phù phép bằng những chiếc tem mà nếu như không có thiết bị chuyên dùng thì lực lượng kiểm tra không thể nào phát hiện được.
Tình trạng vận chuyển, buôn bán rượu lậu gia tăng gần Tết Nguyên đán, tuy nhiên để kiểm tra, phát hiện và bắt giữ những trường hợp này không hề đơn giản. Thay vì vận chuyển từng chuyến hàng lớn, gần đây các đối tượng thường xé nhỏ hàng thành nhiều chuyến để tránh rủi ro. Trong những trường hợp bị lực lượng chức năng bắt được thì chỉ bắt được số lượng nhỏ, lẻ.
Để không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, WHO ước lượng rượu bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người, đó là một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn. Một đơn vị uống chuẩn này tương đương với một chén rượu mạnh (40 độ, 30ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); một cốc bia hơi (330ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330ml).