Creative Gara – tình yêu từ những ông bố
Sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi ngay giữa lòng thành phố có một xưởng mộc được thành lập dành riêng cho các bạn nhỏ.
Không sách vở, không lý thuyết, không áp đặt, tại xưởng sáng tạo Creative Gara – Khu X98 Hoàng Cầu, các bạn trẻ từ 3 – 15 tuổi sẽ là những thợ mộc chính hiệu, trẻ sẽ tự lên ý tưởng, tự tay thiết kế, tự tay làm các công đoạn láng mịn gỗ, dán keo,… để hoàn thành sản phẩm của mình.
Đây là khoảng không gian và thời gian mà trẻ tự được tự do sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng cũng như khả năng phát kiến của bản thân.
Theo anh Phạm Quý Phúc chia sẻ hiện Creative Gara có 3 nhóm lớp chính: “Thứ nhất là các buổi trải nghiệm cho các nhóm lớp, trường với một chủ đề nhất định để cho học sinh có trải nghiệm về lao động, hay sáng tạo khoa học kỹ thuật (thường là trong tuần từ thứ 3 đến thứ 6). Dịp cuối tuần là có sẵn các chủ đề, các bạn nhỏ ham thích chủ đề nào thì tự do đăng ký. Ngoài ra, bên mình còn có một lớp học đặc biệt nữa, đó là “mộc nhí” kéo dài từ 4 – 8 buổi, học toàn bộ về mộc cơ bản trên các công cụ cơ bản: tạo hình, đóng đinh, cưa, chà nhám, với các sản phẩm được tạo ra như: thuyền, giá sách, xe tăng, khung dệt …”
Làm mộc vốn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi nhiều kỹ năng và thậm chí là nhiều người lớn còn gặp khó khăn trong việc thành thục những kỹ năng đó. Vì vậy, anh Phạm Quý Phúc cho biết anh tại Creative Gara thì tiêu chuẩn an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Cứ mỗi bàn sẽ có một anh chị hướng dẫn, ngoài ra, cứ hai bàn lại có thêm một người giám sát để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho các bạn nhỏ.
Ngoài ra các dụng cụ mộc ở đây đều là tự chế, không có trên thị trường, để đảm bảo độ an toàn và phù hơp với các con vì vậy độ rủi ro khi thực hiện gần như là bằng không.
Chia sẻ về quá trình thành lập và phát triển xưởng sáng tạo Creactive Gara, anh Phúc cho biết: “Trước đây làm về sách khoa học cho trẻ con, được tiếp cận các tài liệu cho các bé, mình nhận thấy ngoài việc học lý thuyết thì cần phải có nhiều trải nghiệm thực hành, từ đó kiến thức mới được ghi nhớ lâu. Nhưng ý tưởng lúc đó của mình còn rất “mơ hồ”, bởi mình không biết sẽ sử dụng nguyên liệu, công cụ nào để làm. Ở nước ngoài họ thường làm bằng bìa các tông, nhựa tái chế hay vỏ lon… Sau một thời gian mày mò, mình thấy ở Việt Nam nguyên liệu làm mộc rất dễ tìm, nhiều người làm mộc có tay nghề mà mình có thể học hỏi được, nên ban đầu mình tự mua các dụng cụ về tự “nghịch ngợm” đục, cưa, bào. Không ngờ khi thấy bố làm như vậy, con trai mình tỏ ra rất thích thú, tò mò cũng muốn làm theo”.
Ý tưởng ban đầu của anh Phúc chỉ là muốn tạo ra một môi trường vui chơi lành mạnh, bổ ích, thêm yêu lao động và hiểu biết về khoa học kỹ thuật cho chính con trai của mình. Tuy nhiên, do nhu cầu của các bậc phụ huynh có con nhỏ như anh Phúc quá lớn, đến đầu năm 2016, xưởng sáng tạo Creative Gara chính thức được thành lập.
Khởi nghiệp ở tuổi 36, anh Phạm Quý Phúc cũng đã gặp không ít khó khăn.
Mô hình xưởng sáng tạo này vốn kén về kỹ thuật, trước khi ra được mỗi một sản phẩm thì anh Phúc đều phải nghiên cứu xem các bạn nhỏ sẽ làm như thế nào, phải đặt mình vào vị trí của các bạn ý để có thể tính toán các thao tác như nào, trong khoảng thời gian bao lâu. Trên thị trường những sản phẩm như này vẫn còn rất mới mẻ, nên anh Phúc cùng với nhóm của mình phải nghiên cứu thật kỹ để có thể đưa ra được một sản phẩm là rất mất thời gian, phải tranh luận với nhau xem làm chủ đề là gì, có ý nghĩa như thế nào cho các bạn nhỏ.
Cũng theo anh Phúc chia sẻ vốn đã từng công tác tại các nhà xuất bản lớn, rồi cũng thành lập công ty nhưng có thể nói Creative Gara là dự án mà anh dành trọn vẹn thời gian cũng như tâm huyết như bây giờ. “Đến khi mình ở tuổi 35, 36 mình mới hiểu là nếu mình không tập trung vào làm một việc gì thì với nguồn lực và trí tuệ của mình sẽ không làm được một cái gì đó tử tế, vì vậy mình quyết định nghỉ việc với một mức thu nhập ổn định để dồn mọi tâm huyết vào dự án này. Rất may, vợ và gia đình “không phản đối”, anh Phúc cho biết.
Ngoài ra, anh Phúc cũng tự nhận mình may mắn khi gặp được những người bạn, những người cộng sự không những có chuyên môn mà còn chung niềm đam mê và tâm huyết như anh.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Phúc cho biết định hướng phát triển trong 3 năm tới, Creative Gara một mặt vẫn duy trì mô hình các lớp học như bây giờ, mặt khác phát triển và thiết kế thêm nhiều loại đồ chơi hơn cho các bạn nhỏ. Các bạn nhỏ sẽ không phải trực tiếp đến đây nữa mà Creative Gara sẽ tạo ra các hộp dụng cụ bao gồm cả nguyên liệu và tờ hướng dẫn để các con có thể tự làm bất cứ ở đâu (soạn các bài đơn giản từ ảnh đến hướng dẫn cách cầm búa thế nào, cưa ra sao…) với giá hợp lý. Ngoài ra, anh Phúc cũng muốn tìm địa điểm nào trong thành phố mà đủ rộng để các bạn nhỏ có thể trải nghiệm được hết từ quá trình cái cây nó lớn như thế nào, được khai thác, thành thành phẩm như thế nào...
Niềm hạnh phúc của anh Phạm Quý Phúc không chỉ là chứng kiến sự say mê và háo hức của các bạn nhỏ khi tự tay mình làm ra được các sản phẩm mà còn là tạo ra được một thương hiệu Creative Gara - Chơi là học, là gắn kết yêu thương giữa cha mẹ và con cái và hơn nữa còn khám phá thêm các giá trị của bản thân, giá trị lao động cho cuộc sống.