Cùng đọc Ma Văn Kháng viết về tình yêu và người phụ nữ trong tình yêu
Với bút lực dồi dào của một cây bút văn xuôi lão luyện đã đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn của quốc gia và khu vực, mỗi truyện ngắn của Ma Văn Kháng luôn có sức nén dầy dặn của đời sống, chứ không chỉ dừng ở định lượng “nhát cắt” của thể loại này.
Truyện ngắn của ông sống động và ngồn ngộn chất đời thường, ngay cả khi viết tập trung về đề tài lãng mạn là tình yêu. Dưới ngòi bút Ma Văn Kháng, “Tình yêu, cái thứ tình cảm cao siêu ấy trước nay cứ tưởng nó chỉ là thứ sở hữu đặc quyền của những ông hoàng bà chúa, của những công tử tiểu thư, của các bậc đại gia, các đấng thượng lưu trí thức, của những kẻ có học, chí ít cũng là của những kẻ có cơm no áo ấm, gia cảnh đề huề. Cứ tưởng nó là thứ đặc sản của một đời sống tinh thần thuộc đẳng cấp cao. Hoá ra là không phải. Hoá ra nó còn là thứ tình cảm của Thị Nhi và Nhóc Giẳng, hai cái cá thể bất thành nhân dạng, thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, những kẻ sống lam lũ, lầm than, cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ ấm, bị coi là hạng tiện dân, không ai thèm để tâm tới. Tình yêu! Hoá ra nó là tài sản chung của nhân loại. Nó là thuộc tính của những kẻ mang danh tính là con người!” (Trích truyện ngắn Bãi vàng).
Với quan điểm giản dị mà nhân văn đó, những nàng thơ trong tập truyện này của ông từ những người bé mọn như cô thanh niên xung phong quá lứa nhỡ thì, người đàn bà góa, ả gái tiêu khiển nơi bãi vàng,... đến những người phụ nữ sang cả trí thức, trưởng giả... đều đắm chìm trong tình yêu hoặc thứ tưởng là tình yêu. Hầu hết các nhân vật nữ của Ma Văn Kháng hừng hực thứ sức sống phồn thực, bản năng; khao khát cháy bỏng được khẳng định bản thân, đến mức đôi khi thành ích kỷ và tàn nhẫn; song sâu thẳm vẫn trở về kiếp đàn bà đa đoan, nhân hậu.
Những chuyện tình trong sách này, người đọc sẽ thấy gần gũi như nó xảy ra ngay trong khu phố mình ở, chuyện nghe kể từ người quen bạn bè; từ bộ phim trên màn ảnh nhỏ... Những câu chuyện xây dựng trên cái phông nền phảng phất không khí xưa cũ thời bao cấp, song những vấn đề tác giả hóm hỉnh ẩn ý lại đậm chất hiện sinh mà người hiện đại trong những mối quan hệ hiện đại đều ít nhiều soi thấy mình trong đó.
Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông đã được các Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2012.