Cùng xót xa, mất ngủ với lời cảnh tỉnh bảo vệ môi trường trong thơ Ngọc Lê Ninh
Hội LHPN Hà Nội tập huấn trực tuyến về công tác bảo vệ môi trường |
Là một nhà thơ, một công dân, lại là một Tiến sĩ công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, hơn ai hết, Ngọc Lê Ninh (tên thật là Lê Ngọc Ninh) hiểu rất rõ những vấn đề mà con người đang phải đối mặt với những thảm họa về môi trường, khí hậu. Với công việc chuyên môn của mình, suốt nhiều năm, anh đã đi nhiều nơi, chứng kiến cảnh các dòng sông bị bức tử, những cánh rừng bị tàn phá, những ngọn núi bị bạt đi nham nhở vì mục đích kinh tế của con người.
Sự ích kỉ, tham lam, tận diệt thiên nhiên để làm lợi cho bản thân cùng hành động xả thải bừa bãi, vô trách nhiệm của con người đã phần nào khiến mẹ thiên nhiên bị tổn thương. Kéo theo đó, bao nhiêu hệ lụy mà con người đang phải gánh chịu, trả giá như bão bùng, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Chúng ta bức tử thiên nhiên cũng chính là đang bức tử sự sống của chính mình. Hành tinh xanh là ngôi nhà chung, cần phải được tất cả chung tay nâng niu, xây đắp. Bởi đây là bầu dưỡng khí, là mạch nguồn của sự sống, là nơi chúng ta và con cháu sau này tiếp tục nối dài hành trình của nhân loại.
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh |
Nếu môi trường bị hủy hoại, tàn phá, chúng ta và con cháu sau này, loài người sẽ đi về đâu, cuộc sống sẽ khó khăn, lầm than, ảnh hưởng đến mức như thế nào?
Từ những nỗi niềm trăn trở đó, nhà thơ Ngọc Lê Ninh đã viết nên những vần thơ có sức lay động lòng người.
THƠ MẤT NGỦ
Đêm mất ngủ bên dòng sông vừa chết
Hồn sóng kia lưu lạc ở phương nào?
Nghe cát sỏi đầu thai vào kiếp khác
Mất sông rồi! Tôi khóc vỡ chiêm bao.
Đêm không ngủ bên cánh rừng sắp chết
Hồn cây đi lảo đảo giữa sương tàn
Nghe ám ảnh những đời ma lẩn khuất
Rừng đâu còn! Ta gục xuống mê man.
Đêm đói ngủ bên những loài thú đói .
Đói rừng xanh đói sông suối cạn nguồn
Đói mùa sống trong đất trời tàn lụi
Cả muôn loài bên vực thẳm hoàng hôn.
Đêm hết ngủ cá muôn loài hết ngủ
Mắt trừng trừng chúng căn vặn nhìn tôi:
“Chính các người gây bao mùa thảm họa”
Trái đất buồn đau đớn hóa mồ côi.
Đêm khát ngủ bên mây ngàn khát thở
Cả ngàn sao hấp hối giữa tro tàn
Bầu sinh quyển còn chăng sau tiếng nổ?
Đau một trời khói bụi mắt thời gian.
Tiến sĩ Lê Ngọc Ninh với hợp chất kabenlis do anh sáng chế dùng để xử lý nước thải ô nhiễm ao hồ, dòng sông chết |
Những vần thơ này khiến nhạc sĩ Trần Ngọc hết sức đồng cảm, xúc động. Nhạc sĩ của “Em như chim bồ câu trắng” đã chắp cánh, thổi hồn thêm để bài thơ biến thành ca khúc “Xót xa… Thơ mất ngủ” với những giai điệu lúc thì cồn cào báo động, lúc thì tha thiết thê lương, khi lại thủ thỉ khuyên nhủ… đi vào lòng người.
Cùng tiếng hát truyền cảm của Sao mai Bùi Thu Thuyền, “Xót xa… Thơ mất ngủ” trở thành ca khúc lay động trái tim mỗi người, để từ đó nhạc quyện vào thơ, thơ quyện vào nhắc, chắp cánh cho giai điệu, ca từ thấm thía, đọng lại sâu trong tâm khảm người nghe. Những vần thơ, ca khúc như thế này mỗi lần vang lên sẽ giúp chúng ta ý thức hơn với trái đất, với hành tinh xanh, với viên ngọc quý giá vô cùng mạnh mẽ nhưng cũng rất mỏng manh này.
Nghe, để thêm một lần nữa cùng hành động, cùng chung tay bảo vệ môi trường, lên án những hành vi ảnh hưởng đến sự sống để xây dựng một cuộc sống hòa bình, trong lành, xanh sạch đẹp hơn cho chúng ta và cho nhân loại mai sau.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài thơ và ca khúc hết sức ý nghĩa này trong Ngày Môi trường Thế giới 5/6.
Trang thơ Ngọc Lê Ninh |
Ngọc Lê Ninh dí dỏm ca ngợi "tên trộm" trong thơ "Tên trộm đáng yêu" |
Cùng nhà thơ Ngọc Lê Ninh "Nợ" những ân tình |