Cựu chiến binh gửi trọn tình yêu với thế hệ trẻ qua đồ chơi tự chế
Tết Trung thu: Đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế Tập đoàn LEGO muốn làm điện mặt trời cạnh nhà máy sản xuất đồ chơi ở Việt Nam Camera hành trình 70Mai M500: Nhỏ xinh nhưng “võ” đầy mình |
Khác với các bạn nhỏ cùng trang lứa có những món đồ chơi bằng nhựa, Hoàng Gia Hân (6 tuổi, cháu cựu chiến binh Hoàng Hữu Điện) lại sở hữu cho mình mô hình đồ chơi vô giá do chính ông nội tạo ra. Được biết, từ khi Gia Hân chưa đầy 1 tuổi, ông Điện đã nảy ra ý tưởng sáng tạo đồ chơi tặng cháu với mong muốn giúp cháu vừa chơi, vừa tiếp nhận tri thức.
Cựu chiến binh Hoàng Hữu Điện và cháu nội bên mô hình đồ chơi vừa hoàn thành |
Theo ông Điện, ông vừa lên ý tưởng vừa làm mô hình trong suốt quá trình cháu nội lớn lên. Vì không được đào tạo bài bản qua trường lớp nên để có được một sản phẩm hoàn thiện như hiện tại, ông phải mất đến 4 năm để chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu và thêm 1 năm chế tạo mô hình.
Là cựu chiến binh đã nghỉ hưu nên ông Điện có nhiều thời gian rảnh rỗi, ông vừa trông cháu vừa làm mô hình đồ chơi |
“Tôi làm từ khi cháu chưa biết nói mà giờ nó đã 6 tuổi rồi. Tôi vui vì qua mô hình đồ chơi này, cháu mình không những thông minh hơn mà còn là một đứa trẻ sống tình cảm. Hơn nữa, tôi muốn giáo dục cháu về văn hóa dân tộc, về những thứ cổ xưa mà Việt Nam ta đã từng trải qua”, cựu chiến binh Hoàng Hữu Điện chia sẻ.
Chiếc điều khiển từ xa giúp vận hành mô hình dễ dàng |
Về nguyên lý hoạt động, ông Điện đã phải vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau như vật lý, hóa học, văn học… Để các hình thể người có thể chuyển động nhịp nhàng quanh bể nước, ông đã sử dụng đến đại lượng thế năng trong vật lý để tạo ra sức nước kéo các mắt xích xoay vòng, từ đó mô hình mới hoạt động.
Với phần nước trong bể kính, ông phải thử nhiều cách thanh lọc nước bằng các hoạt chất để lâu ngày, nước vẫn trong và không mọc rêu. Lấy ý tưởng từ văn học Việt Nam, ông mô phỏng lại hình tượng nhân vật trong truyện cổ tích, những hình ảnh của nền nông nghiệp lúa nước…
Hình ảnh 2 nhân vật Chí Phèo - Thị Nở tượng trưng cho sự nghĩa tình, thủy chung trong các gia đình Việt Nam |
Thoạt nhìn qua, gần như không một ai có thể hiểu được ý nghĩa của từng vật thể chuyển động xung quanh mô hình. Tổng thể mô hình gồm 3 phần tượng trưng cho 3 vùng lãnh thổ đất, trời, biển của Việt Nam. Phía trên bể nước, có khoảng hơn 10 hình thể người lao động, đại diện cho hơn 10 ngành nghề khác nhau như: người nông dân cấy gặt lúa, anh thợ cơ khí, vận động viên thể thao hay các anh “xe ôm công nghệ”…
Phía trên bể nước, hình ảnh 2 loại máy bay là máy bay quân sự và máy bay phục vụ hàng không được mô phỏng rõ nét. Ông Điện còn gắn thêm 1 lá cờ Việt Nam để thể hiện tình yêu đất nước, cũng là để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Phía dưới bể, ông mô phỏng lại hình ảnh thiên nhiên Việt Nam với cây cỏ, chim thú muôn loài. Bên cạnh đó còn có hệ thống giao thông phát triển hiện nay. Món đồ chơi kì công này đã phản ánh xã hội Việt Nam một cách đầy đủ và chân thực.
Máy bay và cờ Việt Nam mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền vùng trời của Tổ quốc |
Ông Điện cho biết “Tôi lấy cảm hứng từ tuổi thơ của tôi đã trải qua những gì để lồng ghép vào đây. Qua từng bộ phận, tôi muốn các cháu hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ đó, các cháu được nuôi dưỡng từ phẩm chất tới tri thức”.
Theo ông Điện, công sức và chi phí đầu tư để hoàn thiện mô hình đồ chơi này là không hề nhỏ. Riêng bể nước, ông đã phải mua lại gần 10 lần mới có kích thước bể ưng ý. Còn các nguyên vật liệu khác, có cái ông đi tìm mua, có cái ông phải cất công về quê để sưu tầm rồi đẽo gọt theo ý muốn.
Mô hình đồ chơi gồm hàng chục chuyển động cùng lúc như người dân cấy lúa, xay thóc, giã gạo, đạp xe, chẻ củi... |
Vì sự mới lạ và sáng tạo của món đồ chơi này mà ngay cả nhiều người lớn cũng tò mò tìm hiểu. Thậm chí, có một số gia đình khá giả còn ngỏ ý mua món đồ chơi “tốn chất xám” này nhưng ông Hoàng Hữu Điện nhất quyết không bán bởi đó là tình yêu thương, là kỉ vật gắn kết giữa ông với các cháu của mình.
Cháu gái Gia Hân của người cựu chiến binh đầy tâm huyết ngắm nhìn món đồ chơi không rời mắt. Khi được hỏi đến món quà vô giá người ông tặng cho, cô bé tỏ ra thích thú “Con thích lắm, con không cho ông bán đồ chơi”.
Không chỉ là món đồ chơi “tri thức”, hình ảnh người ông cặm cụi chế tạo mô hình còn là tấm gương sáng về sự cần cù, kiên nhẫn đáng học hỏi. Hy vọng rằng trong tương lai, cô bé Gia Hân ngày nào sẽ trở thành một người tài giỏi như ông nội của mình hằng mong muốn.