Cựu pháo binh được kết nạp Đoàn trên chiến trường Quảng Trị
Nhiều trường học của quận Ba Đình kết nạp Đoàn cho học sinh ưu tú |
Học xong cấp 3, tôi nhập ngũ. Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện bộ binh, chúng tôi được bổ sung về Trung đoàn pháo binh 45 (đoàn Tất Thắng, đơn vị đã bắn phát súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ). Năm 1971, tôi cùng đơn vị tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Năm đó, cả Trung đoàn kéo pháo cơ giới 122 ly đi theo hướng chính của mặt trận, khu vực đường 9, biên giới Việt - Lào, riêng đại đội tôi được giao nhiệm vụ luồn sâu, dùng DKB (hỏa tiễn mang vác 122 ly) đánh vào cứ điểm Khe Sanh, sân bay Tà Cơn. Đây là căn cứ hậu cần toàn bộ chiến dịch của quân Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Giám trong lần tham dự và phát biểu tại sự kiện kết nạp đảng viên mới |
Đại đội đã chiến đấu anh dũng, diệt 93 tên giặc Mỹ (chủ yếu là giặc lái và nhân viên kỹ thuật), phá hủy 8 máy bay, 14 xe quân sự, đốt cháy một kho xăng và phá hủy nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh khác (số liệu này được cấp trên thông báo và tôi đã chép vào nhật ký), góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch. Về chiến dịch này, tôi cũng có bài viết in trong sách "Ký ức lữ đoàn pháo binh Tất Thắng" tập 1 (Nhà xuất bản QĐND, năm 2012).
Sau hai tháng chiến đấu ác liệt, chiến dịch kết thúc thắng lợi, toàn đơn vị được ra Bắc. Tôi và 9 đồng chí được cử ở lại giúp đỡ thương binh, liệt sĩ, gần tháng sau mới ra. Về đến đơn vị (ở Quảng Bình) được biết tiểu đoàn phải lựa chọn một đại đội quay vào bổ sung cho đơn vị khác ở Quảng Trị đang thiếu quân. Cuối cùng, đơn vị tuyển chọn 12 người, trong đó có tôi.
Đoàn do anh Được (Trung đội trưởng) chỉ huy, dẫn đi bàn giao. Xe ô tô đơn vị đưa đến Bến Hải thì hành quân bộ. Khoảng một tuần, vượt qua đường 9, chúng tôi được nghỉ một ngày. Đó là ngày 1/6/1971, tôi nhớ vì khi đó anh Được có chiếc đài ORIONTON phát chương trình ca nhạc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Gần trưa, chuẩn bị ăn cơm, anh Được gọi anh em tập trung rút kinh nghiệm. Sau khi thay mặt lãnh đạo đơn vị biểu dương toàn thể các chiến sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ, hành quân an toàn, đúng kế hoạch... anh Được nói: "Đoàn ta có đồng chí Giám, mặc dù chưa là đoàn viên nhưng trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào vừa qua đồng chí có nhiều thành tích, được Trung đoàn khen thưởng. Mới về đơn vị được vài hôm, đồng chí lại vui vẻ nhận nhiệm vụ mới, không ngại hy sinh, gian khổ. Đồng chí xứng đáng là đoàn viên, thay mặt chi bộ Đảng và lãnh đạo đơn vị, tôi tuyên bố: Kể từ giờ phút này, đồng chí Nguyễn Văn Giám là đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Nói xong, anh cầm bản trích ngang danh sách bàn giao và đánh dấu vào cột mục đoàn viên tên tôi.
Anh chỉ tuyên bố miệng chứ không thấy có giấy tờ, văn bản gì. Thực tâm, tôi cũng chưa tin. Chỉ đến khi được ra Bắc, trở lại đơn vị cũ, trong buổi sinh hoạt chi đoàn và được gọi đi họp, lúc đấy, tôi mới biết chắc chắn mình đã là đoàn viên. Tôi rất xúc động và tự hào".
Sau đó, anh Được hy sinh năm 1972 trong chiến dịch Quảng Trị. Để để không phụ lòng Trung đội trưởng đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, từ đó về sau, tôi luôn phát huy vai trò xung kích của người đoàn viên cộng sản Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1972, tôi cùng đơn vị (Tiểu đoàn D1) tham gia chiến dịch Quảng Trị. Tiểu đoàn D1 đặt pháo 130 ly tại Cửa Tùng, bắn cháy, bắn chìm 11 tàu chiến và tàu biệt kích Mỹ, xua chúng ra xa, bảo vệ sườn phía Đông chiến dịch, chi viện cho bộ binh giải phóng Đông Hà và Thành cổ Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Giám dự Đại hội chi bộ Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị dầu khí Việt Nam |
Trong đợt chiến đấu này, tôi là pháo thủ số 1, đã có sáng kiến lấy phần tử nhanh khi bắn tàu biển ban đêm rất hiệu quả. Sau được toàn đơn vị áp dụng, gọi là: "Pháo thủ số 1 lấy phần tử bắn mục tiêu di động ban đêm". Vì khi ta bắn, tàu địch mở tốc lực chạy theo đường dích dắc để tránh đạn, do đó mỗi phần tử chỉ có hiệu lực trong khoảng chục giây mà ban đêm tìm bắt điểm chuẩn nhanh rất khó.
Sau đó đơn vị di chuyển vào Ba Gơ (Cam Lộ) tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đại đội được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ kiềm chế và tiêu diệt pháo địch. Tổng kết chiến dịch, đại đội đã phá hủy hơn 200 khẩu pháo của địch, chiếm hơn 80% số pháo địch bị phá hủy của toàn Trung đoàn (theo "Lịch sử lữ đoàn 45 Tất Thắng"). Đại đội còn tham gia nhiều trận chi viện cho bộ binh, tiêu diệt nhiều mục tiêu và phá hủy kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch.
Nói là đại đội, biên chế đủ là 4 khẩu pháo nhưng trong chiến đấu thường chỉ có hai khẩu, nhiều lúc chỉ còn 1 khẩu vì bị địch đánh hỏng, phải sửa chữa, bổ sung liên tục. Đơn vị nổi tiếng về thành tích bám trụ diệt địch suốt 8 tháng liền trên trận địa ác liệt nhất: Hơn 1.000 quả bom, 10.000 quả đại bác, 48 lần máy bay B52 rải thảm, hơn 100 lần phản lực bổ nhào, tọa độ xuống trận địa (theo “Lịch sử lữ đoàn Tất Thắng”).
Đơn vị đã làm một số trận địa giả để thu hút hỏa lực của địch, hạn chế thiệt hại của ta. Kết thúc chiến dịch, với thành tích của các cá nhân và đơn vị (đặc biệt là sáng kiến, sáng tạo và hiệu quả trong chiến đấu), tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ Quyết Thắng, được đi báo cáo thành tích tại Đại hội Thanh niên Quyết thắng của Tiểu đoàn và Trung đoàn. Sau đó, tôi được cử là đại biểu thanh niên của Lữ đoàn đi dự Đại hội Thanh niên 4 đỉnh cao Quyết Thắng pháo binh toàn quân.
Từ 1974 - 1976, tôi là Phó Bí thư chi đoàn, xây dựng chi đoàn 3 năm liền là điển hình của lữ đoàn. Năm 1975, đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (trong đội hình Quân đoàn 1). Chiến dịch toàn thắng, tôi vinh dự được tham gia lễ diễu binh, diễu hành quần chúng mừng chiến thắng tại Sài Gòn (ngày 15/5/1975) trong đội hình pháo binh chiến dịch.
Năm 1976, tôi được đơn vị cho đi thi và chuyển ngành học Đại học Thương nghiệp. Trong thời gian học tập và sau ra công tác tôi vẫn liên tục tham gia Ban Chấp hành Đoàn cho đến khi làm lễ trưởng thành Đoàn. Sau này, với cương vị trong cơ quan, đoàn thể, tôi hay được mời dự và phát biểu trong các dịp đại hội, hội nghị, các sự kiện của tổ chức Đoàn.
Từ thực tiễn cuộc sống, hoạt động của mình và đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội cùng thế hệ, những câu chuyện của tôi và đơn vị cũng đã ít nhiều truyền cảm hứng về ý chí, nghị lực và lối sống tích cực đối với các bạn trẻ. Chúng tôi luôn luôn biết ơn Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã tạo một môi trường lý tưởng để tuổi trẻ rèn luyện và trưởng thành.
25 học sinh ưu tú trường THCS Phú Diễn được kết nạp Đoàn |
90 đội viên ưu tú quận Hai Bà Trưng được kết nạp Đoàn |
58 học sinh ưu tú của THCS Nguyễn Công Trứ được kết nạp Đoàn |