Đà Nẵng: 8X truyền lửa nghề với sản phẩm thủ công làm từ chất liệu da
Để hoàn thành sản phẩm thủ công, anh Sinh phải cẩn thận đo đạc, cắt miếng da bò và tốn nhiều thời gian thực hiện các công đoạn (Ảnh Đ.Minh) |
Với anh Huỳnh Nguyễn Đức Sinh (SN 1987, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thì sản phẩm handmade không chỉ kinh doanh mà còn là đam mê. Anh cũng là người truyền lửa nghề cho những thanh niên có cùng đam mê sản phẩm thủ công làm từ chất liệu da.
Mô hình kinh doanh tạo dấu ấn riêng cho khách hàng
Cầm miếng da bò để cắt, đục lỗ xong làm túi cho khách, anh Sinh cẩn thận khâu từng đường kim mũi chỉ, thuần thục. Đó là công việc hàng ngày của anh trong 7 năm qua kể từ khi anh bén duyên với đồ da thủ công. Thuộc thế hệ 8X, từng là kỹ sư xây dựng nhưng với niềm đam mê đặc biệt dành cho đồ da thủ công, anh đã chuyển hẳn sang kinh doanh mặt hàng này.
Ban đầu, anh chỉ tìm hiểu về đồ da thủ công qua YouTube, các trang web đồ da thủ công do nước ngoài sản xuất. Sau đó, anh kết nối với cộng đồng nghệ nhân làm đồ da trên toàn quốc rồi học hỏi thêm kinh nghiệm từ họ và yêu thích, đam mê với đồ da thủ công từ lúc nào không hay. Năm 2014, thương hiệu đồ da thủ công SM của anh Sinh ra đời.
Theo anh Sinh, để làm ra một sản phẩm theo đúng thiết kế, người thợ mới vào nghề phải làm thử trước bằng giấy với độ chính xác đến từng mm. Sau khi hoàn chỉnh, anh dựa vào bản mẫu để đo và cắt da. Bằng sự đam mê và kiên trì, anh Sinh đã tạo ra những sản phẩm thủ công từ da được nhiều người yêu thích.
Anh Sinh chia sẻ, thiết kế có thể xem là giai đoạn “thai nghén ý tưởng” cho bất cứ sản phẩm đồ da thủ công nào. Đây là công đoạn quyết định sản phẩm sẽ sử dụng loại da nào trong hàng trăm loại da, sẽ chọn kiểu dáng nào trong vô vàn kiểu dáng; Hoặc cũng có thể là bản phác thảo lần đầu tiên được nhìn thấy, là chất xám, tạo dấu ấn riêng của khách hàng và người thợ.
Mẫu ví bán chạy nhất tại cửa hàng được làm thủ công có hoa văn hình trống đồng (Ảnh Đ.Minh) |
Để trở thành một người thợ lành nghề, anh Sinh cũng phải trả “học phí” đó là hàng chục chiếc ví, túi da, thắt lưng không đạt yêu cầu, có khi là những tấm da tiền triệu bị hư hỏng vì bảo quản sai cách, bị ẩm mốc. Chia sẻ về chặng đường đã đi qua anh Sinh hào hứng nói: "Tôi cảm thấy mình may mắn vì tìm thấy đam mê. Công việc cho phép tôi sống cuộc đời ý nghĩa, tận hưởng hạnh phúc khi làm ra cái đẹp”.
"Đó là cách mà những người thợ đắm đuối, nâng niu ngắm nghía sản phẩm của mình sau khi hoàn thành, chụp ảnh lại từng góc cạnh sản phẩm. Cùng với nhu cầu của khách, sản phẩm đồ da ngày càng đa dạng, ngoài ví và túi xách tôi còn nhận làm vòng tay, móc khóa, dây đeo đồng hồ, mặt nạ, giày tây…", anh Sinh cho biết thêm.
Được biết, tùy theo kích thước sản phẩm mà mỗi sản phẩm có thời gian hoàn thành khác nhau. Để hoàn thành một sản phẩm ví nam, nữ, người thợ thường mất 2 ngày. Với sản phẩm có kết cấu phức tạp, thêm chi tiết sở thích của khách hàng như túi xách, tùy kích cỡ, có sản phẩm, anh làm xong trong khoảng vài ngày, có sản phẩm mất gần 1 tuần để hoàn thành.
Truyền lửa đam mê
Các sản phẩm thủ công của anh Sinh chủ yếu được làm từ da bò nhập khẩu và có giá khá cao. Đối với mẫu ví đơn giản, giá trung bình mỗi cái khoảng 500-600 nghìn đồng/chiếc với những sản phẩm đòi hỏi mẫu mã cầu kỳ, tinh xảo một túi xách có giá khoảng vài triệu đồng. Những sản phẩm thủ công của anh Sinh được nhiều khách hàng trong và ngoài Đà Nẵng đặt mua và đối tượng khách du lịch.
Tấm da có được cắt đẹp hay không, cách cắt có hợp lý, tiết kiệm hay không cũng thể hiện sự lành nghề của người thợ. Anh Sinh nhận thấy những sản phẩm làm từ da thật sẽ có giá thành cao hơn bởi chất lượng sản phẩm tốt hơn, chiếm được lòng tin của khách hàng và có thể cạnh tranh lâu dài trên thị trường.
Anh Sinh và các bạn học viên trong lớp học có đam mê với đồ da thủ công tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC) |
Ngoài đam mê kinh doanh với đồ da thủ công, anh Sinh còn mong muốn phát triển cộng đồng thợ đồ da thủ công. Do đó, năm 2016 anh mở thêm lớp dạy thợ nghề đồ da thủ công tại TP Hồ Chí Minh. Lớp học thường có 10-20 học viên, anh không tự nhận mình là thầy vì không có kiến thức sư phạm. "Mình là người thợ như một người bạn hướng dẫn những ai có đam mê với đồ da thủ công như mình", anh Sinh chia sẻ thêm.
Ấn tượng tại cửa hàng đồ da thủ công là sản phẩm ví hình hoa văn trống đồng, được làm thủ công bằng tay, dập nổi bằng máy do anh nghiên cứu chế tạo nhằm tiết kiệm chi phí, nhuộm màu da theo trường phái của Mỹ và Nhật. Lý do anh chọn hoa văn trống đồng bởi mong muốn thể hiện lòng yêu nước, quảng bá văn hóa của người Việt với du khách nước ngoài.
Năm 2020, khi đã đủ kinh phí mở cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại địa chỉ 21 Phước Trường 2 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), anh Sinh bắt đầu tiếp cận thêm đối tượng khách hàng mới. Sau 7 năm, anh đã tìm được thị trường riêng cho mình, kể cả với những khách hàng khó tính nhất.
Khi nhu cầu đời sống ngày càng đa dạng, lĩnh vực chế tác đồ thủ công đang mở ra cơ hội khởi nghiệp cho nhiều người đủ đam mê, kiên trì. Bởi, sản phẩm tự tay thợ chạm khắc, thiết kế, khâu từng đường kim, mũi chỉ sẽ tạo được sự trân trọng, yêu quý của người dùng, khác xa các sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng máy móc công nghiệp.