Đà Nẵng: Cần sự chung tay của cộng đồng để bảo vệ động vật hoang dã
Động vật hoang dã được Kiểm lâm Đà Nẵng thả về với tự nhiên (Ảnh: CTV) |
Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh tại Dà Nẵng (Green Viet) khẳng định, Việt Nam nằm trong top 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã (ĐVHD).
Nguyên nhân do môi trường sống của các loài động vật đang bị thu hẹp do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, hậu quả của biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng rừng quá mức, hạn chế trong thực thi pháp luật, đặc biệt là nạn săn bắt tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã.
Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) năm 2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trong giai đoạn 2004 - 2019, trong đó bao gồm: 105,72 tấn ngà voi (tương đương 15.779 cá thể), 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể), da, xương, sản phầm khác của khoảng 228 cá thể hổ, cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê.
Bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng là nơi có hệ sinh thái đa dạng |
Tại Việt Nam, nhiều loài ĐVHD đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức…
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đặc thù các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững "phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học…
Để không xảy ra những vụ xâm hại về rừng, săn bắt ĐVHD, các lực lượng chức năng TP Đà Năng đã tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền, nếu phát hiện các trường hợp cố ý săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều động vật hoang dã, quý hiếm tại Việt Nam bị săn bắt, tiêu thụ trái phép (Nguồn greenviet.org) |
Tuy nhiên, Đà Nẵng với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thương mại đã tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm về vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD dưới hình thức trung chuyển, quá cảnh, nhập khẩu trái phép.
Điển hình tháng 7/2021, Hải quan Đà Nẵng đã phát hiện và bắt giữ hơn 138kg sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật hoang dã quý hiếm nhập từ Nam Phi được khai báo với mã hàng hóa là gỗ.
Để đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi lợi dụng các ưu đãi trong chính sách xuất nhập khẩu, hàng hóa, lợi dụng việc chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che giấu cảng xếp hàng gốc.
Trước đó, từ ngày 30/9/2021 - 8/10/2021, trong một Chương trình tọa đàm và triển lãm ảnh trực tuyến kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã trong chuỗi hoạt động do Sở TN&MT Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu giảng dạy Tài nguyên sinh vật và Môi trường Đại học Đà Nẵng (DN-EBR), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp tổ chức thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).
Đường lên núi Sơn Trà ,Đà Nẵng |
Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TNMT Đà Nẵng cho biết: “Đây là triển lãm ảnh trực tuyến đầu tiên về môi trường được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, Sở TNMT đã rất linh hoạt phối hợp với các đơn vị, tổ chức hoạt động vì môi trường để triển khai thực hiện các chương trình trên nền tảng trực tuyến, kêu gọi sự tương tác, phản hồi của cộng đồng trong việc trả lại sự sống vốn có cho ĐVHD".
"Bảo vệ ĐVHD chính là bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của muôn loài. Vì vậy, cần sự tham gia và chung tay của cộng đồng, chia sẻ và lan tỏa thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã để góp phần bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học", bà Hà nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet chia sẻ thêm, thông qua chuỗi hoạt động có thể cảnh báo, thức tỉnh mọi người trước thực trạng nguy cấp như hiện nay, tiếng nói chung của những người ủng hộ sẽ góp phần lên án, tẩy chay nhằm thay đổi hành vi ăn thịt và sử dụng động vật hoang dã.
Tổ chức Green Viet đã công bố nghiên cứu của 220 doanh nghiệp về “Khả năng đóng góp của doanh nghiệp Đà Nẵng cho Quỹ bảo tồn thiên nhiên Việt Nam”, trong đó 74,6% hoạt động xã hội tài trợ của doanh nghiệp Đà Nẵng hướng tới cứu trợ khẩn cấp, 98% doanh nghiệp coi rằng bảo vệ môi trường là quan trọng, 55,5% cho rằng Quỹ bảo tồn là cần thiết. |