Đà Nẵng: Chợ truyền thống ế ẩm, tiểu thương lao đao muốn bỏ chợ
Nhiều tiểu thương cho biết mình mở quầy để "được ngày" hoặc mở bán để giảm stress, không mong đợi nhiều vì sức mua gần như không có (Ảnh Đ.Minh) |
Những năm gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi có mặt ở khắp nơi trên địa bàn thành phố. Người dân có xu hướng chuyển qua mua sắm tại những nơi này, dẫn đến việc kinh doanh của các khu chợ truyền thống giảm sút. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, người dân chuyển qua đi chợ online hoặc ghé đến các siêu thị mua sắm, khiến hoạt động chợ truyền thống thêm ế ẩm.
Tiểu thương mỏi mòn chờ khách
Trước khi dịch Covid-19 ập tới, chợ truyền thống là kênh mua bán chiếm tới 80% thị phần. Người dân đi chợ không chỉ để mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho gia đình mà đó còn là thói quen, là văn hóa gốc rễ lâu đời của người Việt.
Đi chợ dường như là nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam, dẫu qua bao thăng trầm lịch sử nhưng hình ảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của các chợ vẫn diễn ra hằng ngày.
Nhưng sự nhộn nhịp này cũng không khỏa lấp được thực tế là chợ truyền thống đang trở nên mong manh trước sự dịch chuyển hàng ngày của người tiêu dùng về phía kênh bán lẻ hiện đại.
Ngày 2/12, theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, hầu hết các chợ trung tâm TP Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hàn…đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Dù là sáng sớm hay gần trưa, lượng khách vào chợ vẫn rất thưa thớt, sức mua đìu hiu, tiểu thương mỏi mòn đợi khách.
Tại chợ Hàn không khí rất trầm lắng rất ít người mua (Ảnh Đ.Minh) |
Chị N.H.N (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho biết, “ khoảng hơn 1 năm nay, chị không còn đi chợ truyền thống mà chuyển qua mua đồ ở siêu thị. Chỉ cần đến một chỗ có thể lựa chọn đủ các mặt hàng, giá cả cũng được niêm yết sẵn nên rất dễ mua. Giờ dịch bệnh, các khu chợ cứ tụm năm tụm bảy, nên người dân cũng lo ngại khi ra, vào chợ”.
“Buôn thúng bán bưng mấy chục năm ở chợ Cồn, chưa bao giờ bà chứng kiến cảnh buôn bán ế ẩm như hiện nay. Đếm đi đếm lại không quá chục khách trong 1 ngày đến hỏi mua hàng, cứ đà này phải đóng cửa. Trước đây, chợ Cồn ngoài lượng tiểu thương ở các chợ nhỏ đến lấy hàng còn có một lượng khách du lịch tham quan và mua hàng”, bà N.T.C, tiểu thương hàng thịt, bùi ngùi chia sẻ.
"Vào chợ phải thực hiện các quy định về phòng chống dịch nên người dân ngại, lại còn tốn tiền giữ xe, họ mua ở ngoài cho tiện. Chúng tôi là những người thuê mặt bằng trong chợ để kinh doanh, đóng thuế đầy đủ, nhưng tình trạng chợ cóc, chợ tạm hoạt động tràn lan như hiện nay thì tiểu thương khó mà buôn bán được", bà N.T.C chia sẻ thêm.
Tại chợ Hàn nhiều ki ốt mặt tiền đường Trần Phú vẫn đang đóng cửa (Ảnh Đ.Minh) |
Một chủ sạp thịt lợn ở chợ quận Sơn Trà cho hay, “bình thường ông bán mỗi ngày 2 con lợn, hiện nay dù gần cuối năm cũng chỉ bán mỗi ngày khoảng nửa con. Bình quân mỗi ngày lỗ khoảng 1 triệu đồng, gồm tiền để chi nhân công 2 người, tiền mướn mặt bằng và chi phí khác”.
Theo nhận định của các tiểu thương, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, lượng khách mua hàng giảm từ 50 - 70% so với trước đây, trong khi mỗi tháng tiểu thương phải chi trả tiền thuê sạp, chi phí điện nước, thuế… khách lẻ ngại đi chợ vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, họ hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tiểu thương mua sỉ cũng không khá hơn vì sức tiêu thụ hàng hóa quá chậm.
Đại diện Ban Quản lý chợ Hàn cho biết, “nguồn đóng thuế của tiểu thương cũng góp vào ngân sách của quận, thành phố không nhỏ. Còn bây giờ, thấy tiểu thương buôn bán không được, viễn cảnh trước mắt là không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp chợ, chưa bao giờ các tiểu thương lại lâm vào cảnh bi đát như vậy”.
Chợ Cồn được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực” của Đà Nẵng, nay cũng vắng vẻ (Ảnh Đ.Minh) |
Cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại
Dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến. Hiện nay, chỉ cần lên mạng, người ta có thể đặt mua từ con cá, bó rau đến chai sữa tắm, mỹ phẩm…do vậy, hà cớ gì người ta phải đến chợ, khu vực đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh?
Tuy nhiên, đó có thể là giải pháp tạm thời khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân buộc phải hạn chế tiếp xúc, giao lưu. Khái niệm “bình thường mới” đã dần quen thuộc, được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Tiểu thương tại chợ lướt điện thoại giết thời gian vì vắng khách (Ảnh Đ.Minh) |
Bên cạnh đó, hiện nay chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh, kém sức cạnh tranh, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, hàng hóa bán tại chợ chưa được niêm yết giá công khai đầy đủ, khách hàng đến chợ phải tốn chi phí gửi xe...
Để có thể tồn tại được, các chợ truyền thống cần phải đa dạng hóa loại hình kinh doanh, dịch vụ. Mô hình kinh doanh chợ truyền thống có lợi thế để duy trì nếu như kết hợp song song với hoạt động khai thác du lịch, có các giải pháp kích cầu, khuyến mãi…
Một thế mạnh của chợ truyền thống không thể mất đi đó là thói quen tiêu dùng, mặt khác chợ truyền thống vẫn hơn các cửa hàng tiện lợi ở chữ “tình”, có thể mặc cả, thuận mua vừa bán.
Theo đó, các chợ truyền thống cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá cả rõ ràng, phù hợp xu hướng hội nhập mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng.
Trước đó, để chia sẻ với khó khăn của hàng chục ngàn tiểu thương các chợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, UBND TP Đà Nẵng đã hỗ trợ miễn 100% tiền sử dụng diện tích bán hàng (ki ốt) tại chợ cho tất cả các hộ kinh doanh cố định và không cố định đang kinh doanh buôn bán tại tất cả các chợ ở Đà Nẵng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10/2021.