Bài 1: Làng Cổ Túy Loan lưu giữ bản sắc làng nghề hơn 500 năm
Cổng Tam Quan tại đình Túy Loan dẫn vào một không gian rộng xấp xỉ 8.000 m2 (Ảnh Đ.Minh) |
Mái đình cổ bên dòng Túy Loan
Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, đình Túy Loan được khai phá dưới thời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Tương truyền, năm 1470 theo chiếu của vua Lê Thánh Tông, 5 anh em họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê đi mở mang bờ cõi về phương Nam, đến vùng đất này thấy phong cảnh hữu tình, địa thế đẹp nên khai khẩn, lập làng và đặt tên là làng Túy Loan.
Trải qua những thăng trầm, đình làng Túy Loan thường xuyên được tu tạo, nhưng giá trị kiến trúc ban đầu không thay đổi. Đình làng Túy Loan có không gian rộng thoáng, diện tích hơn 100m2 trong khuôn viên rộng hơn 8.000m2, bao gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm được nối liền liên tục từ trước ra sau.
Tiền đường có kiểu kết cấu hỗn hợp, vừa có liên kết rường, vừa có liên kết kèo, trước sân đình là một bình phong được ghép bằng sành sứ, có mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt trong đắp nổi hình con lân, trong đình chia làm 3 gian, 2 chái.
Hằng năm, cứ vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch, lễ hội đình làng Túy Loan chính thức được khai hội (Ảnh Đ.Minh) |
Trên mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu mái đắp hình rồng uốn lượn được ghép bằng sành sứ (Ảnh Đ.Minh) |
Từ hai cột cái tỏa về hai phía trước và sau là các thanh kèo nối với các cột quân tạo nên kiểu kết cấu thượng rường hạ kèo. Phía đầu hồi, từ cột cái tỏa ra các kèo đấm, quyết để tạo thành hai chái như các công trình có vì kèo truyền thống. Theo đánh giá, trong kiến trúc đình làng Đà Nẵng, kiểu kết cấu này tuyệt nhiên không tìm thấy ở bất kì ngôi đình nào khác.
Bên cánh phía Đông của đình là ngôi nhà thờ Chư Phái Tộc thờ các vị Tiền hiền. Đây là ngôi nhà thờ 5 vị tiền hiền của các tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Đặc biệt, đình làng Túy Loan hiện còn 25 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, 1 tấm văn bia niên đại Thành Thái thứ nhất (1889) và nhiều Hoành Phi, liễn đối đã trên dưới 100 năm. Năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận đình Túy Loan là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hằng năm, cứ đến mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch thì đây là lúc người dân xã Hòa Phong tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống cùng những trò chơi dân gian được tái hiện lại trong khuôn khổ chương trình lễ hội.
Hình ảnh phượng hoàng trên bức bình phong trước nhà thờ tiền hiền của ngũ tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được đắp nổi hết sức tinh xảo (Ảnh Đ.Minh) |
Gìn giữ nghề truyền thống
Dù không ai còn nhớ chính xác là khi nào, chỉ biết làng nghề bánh tráng Túy Loan đã nổi tiếng từ trước những năm 1975. Chiếc bánh tráng không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng đặc biệt. Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp giỗ, cúng gia tiên hay ngày Tết đến mức trở thành một phong tục truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác.
Mô tả về quá trình làm bánh, bà Đặng Thị Túy Phong (83 tuổi rú thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong) chia sẻ: Nguyên liệu chính làm bánh tráng là bột gạo, yêu cầu là loại gạo 13/2 - gạo truyền thống của làng Túy Loan. Loại gạo này có mùi thơm, nấu cơm tuy cứng, nhưng bù lại đúc bánh tráng rất ngon.
Để có bột, phải ngâm gạo trong nước 2 ngày, sau đó mới đem đi xay. Tiếp đó, hòa thêm nước vào làm sao cho nước gạo không quá lỏng và cũng không quá đặc, phụ gia với các thứ như gừng, tỏi, đường, nước mắm hoặc muối. Để cho nước tráng bánh được mịn và trắng đều, phải lọc qua một lượt để loại bỏ những vỏ trấu lấm tấm, giúp tạo ra sản phẩm có màu đều mà không bị lỗ chỗ vết trấu.
Bà Đặng Thị Túy Phong có hơn 60 năm gắn bó với nghề tráng bánh Túy Loan (Ảnh Út Vũ) |
Theo cách cổ xưa, bánh không phải phơi nắng như thông thường mà sẽ được hong 3 lần trên củi than. Theo cách này, bánh sẽ được xếp lên những tấm lưới, ở phía dưới ủ tro, than ở trên để hơ bánh. Qua 3 lần hong như vậy, bánh sẽ khô giòn, không bị mốc và bảo quản được lâu.
Hỏi về nguồn gốc của làng nghề cổ bánh tráng này, bà Phong cho biết: “Thật tình không ai biết rõ nguồn gốc nghề này có từ lúc nào, từ ai mà chỉ thấy người ta làm rồi mình học hỏi làm theo, từ đời này qua đời khác giữ gìn cái nghề này, gắn liền câu ca dao ông cha đã đúc kết về các món ngon nơi đây “Túy Loan trăm thứ đều ngon/ Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ”, hiện cả làng có hơn chục hộ theo nghề.
Lớp người già chúng tôi không ai muốn bỏ nghề, bởi chúng tôi muốn giữ lửa làng nghề, gìn giữ thương hiệu mà cha ông đã gầy dựng. Nghề này cực vì thế nên lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà nữa, lo nhất là làm sao giữ được nghề tổ truyền tránh khỏi mai một” bà Phong cho biết thêm.
Chiếc bánh sau khi được tráng xong thơm nức mùi gạo, mè hoà quyện với mùi gừng…sau đó được sấy khô trên bếp than hồng (Ảnh Út Vũ) |
Tiếng lành đồn xa, món ngon nhớ mãi, vậy nên nhiều người về làng Túy Loan đều tìm đến các hộ gia đình tráng bánh, thưởng thức bánh tại lò rồi mua làm quà. Từ món bánh gia truyền người dân trong làng Túy Loan làm để sử dụng, biếu, tặng người thân, nay đã trở thành món bánh nổi tiếng khắp nơi.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, cho biết: "Hiện tại, trong xã có 10 hộ thường xuyên sản xuất bánh tráng, riêng dịp Tết Nguyên đán, có khoảng 40 hộ tham gia tráng bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Để gìn giữ nghề truyền thống này, địa phương đã xây dựng đề án phục hồi làng nghề, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư làm bánh, một số hộ đã nhận được sự hỗ trợ về máy xay bột, giàn phơi, máy hút chân không, nhãn hiệu…với tổng mức hỗ trợ khoảng 30 triệu/hộ.
"Mong muốn của địa phương là làm sao có thể kết hợp giữa việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với các tua du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng nghề", bà Vân chia sẻ.
Được biết, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cũng là mảnh đất có hơn 27 di tích, trong đó có 6 di tích được xếp hạng và cấp bằng di tích cấp quốc gia, nơi đây còn giữ gìn được gần như nguyên vẹn các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam.
(Còn nữa)