Đà Nẵng: Phạt gần 130 triệu đồng liên quan đến khai thác thủy sản trái phép
Các ngư dân bắt quả tang một tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép vào sáng 8/7, sau khi tàu này đi vào vịnh Đà Nẵng (Ảnh: V.Q)
Bài liên quan
Đà Nẵng: Dự án Khu liên hợp xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn sẽ thi công vào tháng 9/2020
Xử phạt 40 triệu đồng quán "cà phê VIP" không phép nằm giữa trung tâm Đà Nẵng
Đà Nẵng: Bám toa tàu hỏa cướp điện thoại iPhone của hành khách
Đà Nẵng: Cứu thành công một ngư dân bị viêm ruột thừa cấp ở ngoài khơi
Liên quan đến tình trạng hàng loạt tàu giã cào hoành hành, khai thác thủy sản trái phép tại vịnh Đà Nẵng, gây bức xúc trong ngư dân, theo báo cáo của Chi Cục Thủy Sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng), trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra trên biển Đà Nẵng, phát hiện và xử phạt hành chính 129 triệu đồng đối với hơn 13 trường hợp sử dụng, tàng trữ công cụ, khai thác thủy sản trái phép.
Hiện Chi Cục Thủy sản đang phối hợp với Đồn Biên phòng Hải Vân để xử lý 4 tàu cá tại phường Nại Hiên Đông vi phạm quy định về khai thác thủy sản bằng nghề kéo lưới tại vùng biển ven bờ.
Các lồng/bè thủy sản trên vịnh Mân Quang (Ảnh: V.Q) |
Theo Chi Cục Thủy sản, các trường hợp sử dụng phương thức đánh bắt giã cào, te điện, sử dụng đèn pha công suất lớn để khai thác thủy sản trái phép, gây nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Đà Nẵng chủ yếu là các tàu cá ngoại tỉnh (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ngoài ra, các tàu khai thác chíp chíp của ngư dân địa phương cũng khai thác lén lút vào ban đêm để qua mắt lực lượng chức năng.
Để giải quyết thực trạng khai thác thủy sản trái phép thời gian qua, Chi Cục Thủy sản cho biết UBND TP đã có Quyết định số 1449 về phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn. Theo đó, Văn phòng Kiểm soát nghề cá tổ chức trực ban 24/24 giờ. Trong đó, Chi Cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang kiểm tra tàu cá chặt chẽ trong lúc ra vào cảng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng Thanh tra thủy sản thuộc Chi Cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản bằng các nghề cấm khai thác mang tính chất hủy diệt.
Trước đó, các ngư dân sinh sống tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã có đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng phản ánh tình trạng các tàu giã cào khai thác thủy sản kiểu tận diệt tại vùng biển thuộc vịnh Đà Nẵng (từ khu vực bờ biển Nam Ô kéo dài về bờ biển Thanh Bình, quận Hải Châu).
Một tàu giã cào bị ngư dân bắt quả tang đang khai thác thủy sản trái phép tại vịnh Đà Nẵng (Ảnh: V.Q) |
Do tình trạng trên đã kéo dài khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị đe dọa, ảnh hưởng đến quá trình khai thác thủy sản truyền thống của ngư dân địa phương. Theo nội dung đơn cầu cứu, tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm buộc các ngư dân phải trực tiếp đi bắt quả tang, báo sự việc cho lực lượng Biên phòng để vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, nhiều tàu sau đó lại tái diễn quá trình khai thác trái phép, tận diệt nguồn thủy sản (tôm, cua, ghẹ, sò, chíp chíp,...) nhưng chưa bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt theo quy định.
Trong sáng 8/7, các ngư dân vạn chài tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã bắt quả tang, chờ lực lượng chức năng đến xử lý, lập biên bản đối với một tàu giã cào mang số hiệu ĐNA 370x TS đang khai thác sò biển tại vịnh Đà Nẵng. Tại hiện trường, các ngư dân phát hiện tàu này đã khai thác hàng tấn sò biển và chứa đầy bên trong khoang tàu. Các ngư dân cho rằng việc khai thác thủy sản kiểu tận diệt như các tàu này sẽ khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ sẽ bị xóa sổ trong nay mai.
Xây dựng Đề án nuôi trồng thủy sản trên toàn TP Đà Nẵng
Thời gian qua, hàng loạt các lồng/bè thủy sản được người dân nuôi trồng trái phép tại các khu vực ven sông Cổ Cò, vịnh Mân Quang, sông Cẩm Lệ,... gây ô nhiễm môi trường và không có quy hoạch. Theo thống kê, sông Cổ Cò và Cẩm Lệ đang có đến 112 lồng/bè tự phát. Kể từ 2006 đến nay, UBND TP đã có chủ trương không phát triển nuôi trồng thủy sản kiểu lồng/bè và giao trách nhiệm cho UBND các quận, huyện quản lý, chịu trách nhiệm; đồng thời UBND TP còn yêu cầu chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản như trên. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tái diễn, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Vào tháng 6/2020, UBND TP Đã ban hành Quyết định số 2029 về việc phê duyệt Đề cương Đề án nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, xây dựng đền án nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Cụ thể, sau khi đề án được ban hành, Sở này sẽ tham mưu UBND TP ban hành quy chế nuôi trồng thủy sản tại vùng quy hoạch. Trong đó, hướng dẫn người dân nuôi lồng/ bè trong vùng quy hoạch; thực hiện việc đăng ký nuôi lồng/bè theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND TP đề nghị thực hiện công tác quan trắc môi trường nước sông và đánh giá tác động nuôi cá lồng/bè tại vùng nuôi quy hoạch. Các lồng/bè nuôi cá không đảm bảo điều kiện nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi quy hoạch sẽ được chính quyền vận động, chuyển sang ngành nghề khác, phù hợp.