Đại biểu Quốc hội: Phải tinh giản với tinh thần không khoan nhượng
![]() |
Hôm nay (30/10), Quốc hội dành trọn ngày làm việc để thảo luận chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, đặc biệt vai trò người đứng đầu chưa cao, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều kẽ hở …
![]() |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến thảo luận tại hội trường
Rõ trách nhiệm người đứng đầu
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân băn khoăn: có hay không tình trạng Nghị quyết thì rất thuộc nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng? Đại biểu kiến nghị cần phải kiểm tra kiểm điểm xử lý và nếu lãnh đạo quản lý mà nhận thức chưa đầy đủ thì phải đào tạo lại hoặc thay thế.
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, việc bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm về tin giản biên chế, đặc biệt có trách nhiệm người đứng đầu chưa cao.
“Đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu làm không đúng quy định, không đạt mục tiêu về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy” – đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo các đại biểu tình trạng đề bạt bổ nhiệm cán bộ ở nhiều nơi không đúng tiêu chuẩn, vượt quá số lượng không được xử lý nghiêm, đâu đó có hiện tượng “cho phạt để tồn tại”. Do đó, cần phải có giải pháp mạnh hơn, xử lý cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm để đảm bảo công bằng, nâng cao nhận thức cán bộ công chức, góp phần cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
Giảm ngay các cấp phó, bộ phận trung gian
Nhắc lại chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cách đây 5 năm về tinh giản biên chế, sau đó bộ máy không gọn lại mà phình ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhận định, quy định pháp luật ở đây "vẫn còn kẽ hở".
Theo đại biểu, chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó", hoặc là quy định các Bộ không có quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng...
“Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được, cấp xã phường và sở ngành cũng thế, từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ cơ quan Nhà nước mà cả cơ quan Đảng, thậm chí có phòng ban lãnh đạo không nhân viên nhưng trong thời gian dài không cơ quan nào bị nhắc nhở, phê bình” – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình băn khoăn và cho biết chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc như bao nhiêu biên chế thì có cấp phó, điều kiện thế nào thành lập được vụ, viện...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị cần có lộ trình tinh giản biên chế, có những bộ phận phải giảm ngay số lượng cấp phó.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (giai đoạn 2011-2016) nhiều lần đề cập đến tình trạng "bộ máy bên trong các bộ ngành nhiều tầng nấc trung gian; tình trạng bộ trong bộ"; đồng thời đề xuất "giảm cấp trung gian". Tuy nhiên, cấp trung gian là cấp nào thì báo cáo của Đoàn giám sát chưa làm rõ.
Theo đại biểu, khi cố gắng tìm hiểu xem Tổng cục có phải cấp trung gian không? Ông phát hiện rằng, hiện 17/22 bộ ngành có hơn 40 tổng cục. Các bộ ngành không có tổng cục là Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc, và các cơ quan này vẫn hoạt động bình thường.
Do vậy, đại biểu thẳng thắn, đã đến lúc Quốc hội cần chỉ rõ cấp trung gian ở đây chính là Tổng cục, cục, vụ, chi cục, rồi trong bộ máy các đơn vị này lại có văn phòng cấp cục, vụ...
"Đây là việc làm khó, nhạy cảm, khó cào bằng vì mỗi cơ quan có đặc điểm riêng nhưng không thể để nhiều như hiện nay”, ông Cầu nói.
Tinh giản không khoan nhượng
Đề xuất phương án để cải cách bộ máy nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công việc này nên bắt đầu bằng thiết kế lại hệ thống chính trị, đối với các nhiệm vụ nhà nước không cần thiết thực hiện thì đẩy mạnh xã hội hoá. Qua đó, công chức sẽ chọn cho mình con đường khác, không nhất thiết bám trụ trong nhà nước với lương thấp.
Đại biểu Đồng Tháp cũng đề xuất nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có ít đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, xã), quy mô dân số thấp vì hiện một số tỉnh chỉ có khoảng 700.000 dân, thậm chí dưới 500.000, ít hơn một quận của TP HCM.
"Việt Nam có 63 tỉnh, thành như hiện nay là quá nhiều. Bộ ngành quản lý rất vất vả. Cần nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh cũng như một số bộ ngành có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ", ông Hoà nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Trần Văn Lâm lưu ý việc xáo trộn thường xuyên sẽ "ảnh hưởng đến thống nhất nội bộ".
"Xin hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt mãi đi vào cổ tích, câu thần chú khắc nhập khắc xuất không còn ứng nghiệm trong việc chia tách sáp nhập cải cách tổ chức bộ máy hành chính của đất nước", ông Lâm nói.
Cho rằng, không đơn thuần tăng đầu mối là tăng biên chế, hay nhập tổ chức sẽ giúp giảm người ăn lương, theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, việc tách hay nhập phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề là tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tiền đề vững chắc để xã Thượng Phúc phát triển mạnh mẽ và bền vững

Ổn định tổ chức, tập trung phát triển kinh tế xã hội địa phương

HĐND phường Tam Thắng thông qua nhiều quyết sách quan trọng

Nhanh chóng đưa bộ máy HĐND xã Chương Dương hoạt động hiệu quả

Trang trọng Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Phường Xuân Đỉnh vận hành mô hình chính quyền địa phương mới thông suốt, hiệu quả

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người mở đường cho sự nghiệp đổi mới

Xã Phù Đổng: Sẵn sàng hành trang bước vào Kỷ nguyên mới

Đổi mới tư duy quản lý, xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả
