Đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng cho người dân khu vực nông thôn và miền núi
Thay đổi dinh dưỡng từ nhận thức
Pá Lau là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Trên địa bàn xã có 299 hộ dân với 1.657 nhân khẩu, trong số đó có tới 97% là đồng bào Mông. Toàn xã có tới hơn 58% hộ nghèo và 13,71% hộ cận nghèo.
Trong đó, thôn Pa Láu có 120 hộ dân, 100% là đồng bào người Mông cũng có tới 60% số hộ nghèo. Thu nhập của người dân địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do đó đời sống của Nhân dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn.
Thống kê của địa phương cho thấy, trong tổng số 40 hộ điều tra thuộc thôn Pa Láu, có tới 32 hộ nuôi con nhỏ dưới 60 tháng tuổi và một bà mẹ đang mang thai tháng thứ 5 mới đi khám một lần. Khẩu phần ăn của người dân, đặc biệt là trẻ em có nguồn dinh dưỡng rất hạn chế.
Đối với khẩu phần ăn của những bà mẹ đang cho con bú cũng thiếu hụt nguồn dinh dưỡng trầm trọng. Hầu như người dân tại đây có gì ăn nấy, chưa quan tâm và không có điều kiện để chuẩn bị bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Do đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở Pa Láu rất cao so với bình quân chung của cả nước, là 14/32 chiếm 43,75%.
Để cải thiện dinh dưỡng cho người dân thôn Pa Láu, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, trong năm 2020 vừa qua, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương phát triển dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với chương trình “Không còn nạn đói” tại tỉnh Yên Bái.
Mỗi hộ dân ở thôn Pá Lau được hỗ trợ 70 con gà ri lai đẻ trứng trong chương trình “Không còn nạn đói” tại tỉnh Yên Bái (Ảnh tư liệu) |
Triển khai mô hình, có 42 hộ ở đây được nhận hỗ trợ 2.940 con gà ri lai đẻ trứng (70 con/hộ) và mỗi hộ trên 3 tạ thức ăn hỗn hợp. Tổng kinh phí thực hiện là gần 600 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 400 triệu đồng, người dân đối ứng trên 190 triệu đồng.
Sau thời gian thực hiện chương trình, cuộc sống của người dân Pa Láu đã dần được cải thiện, nhất là về chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là trẻ em. Ngoài nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho gia đình, mỗi hộ nghèo có thể thu về từ 1-2 triệu đồng tiền bán trứng gà hàng tháng.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình đã mở ra cơ hội để bà con ở Pá Lau tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời giảm tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn. Với sự thành công bước đầu ở Pá Lau, người dân mong muốn “Dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với Chương trình không còn nạn đói tại tỉnh Yên Bái” được nhân rộng trong thời gian tới.
Cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, “nạn đói tiềm ẩn” chủ yếu xảy ra ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Vi chất dinh dưỡng được tạo ra trong cơ thể từ việc ăn uống nhưng không có điều kiện kinh tế nên trong khẩu phần ăn của nhiều gia đình còn thiếu hụt.
Nhận định của bà Lâm, được minh chứng rõ nét ở kết quả thực hiện Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia, giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, mặc dù, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em đã giảm từ mức trung bình (29,3% vào năm 2010) xuống mức thấp (dưới 20% vào năm 2020), tuy nhiên vấn đề suy dinh dưỡng dai dẳng vẫn tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng hay xảy ra thiên tai.
Do đó, khi triển khai Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 theo Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng. Các mô hình này ngoài góp phần thêm nguồn thu nhập cho người dân thì quan trọng nhất là hướng tới cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn.
Chương trình “Không còn nạn đói” sẽ giúp làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Việt Nam đã có thành tựu lớn về giảm nghèo, tuy nhiên tình trạng suy dinh dưỡng đang là vấn đề cần phải giải quyết.
Là một đất nước có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng có một hệ thống chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhất là các chính sách về giảm nghèo triển khai ở khu vực nông thôn, miền núi thì chúng ta cần đẩy lên một bước nữa về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.
“Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” là chương trình rất nhân văn, nó quan tâm ngay từ thể trạng - nền móng ban đầu của con người. Nếu giải quyết được điều đó, sau này không phải xử lý các vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng ở trẻ, từ đó có thể bớt đi gánh nặng về mặt kinh tế đối với các hộ gia đình và toàn xã hội”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với thách thức lớn từ thiên tai, dịch bệnh, Chương trình “Không còn nạn đói” sẽ giúp làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, để Chương trình sớm về đích, trước hết phải nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề dinh dưỡng. Mặt khác, Chương trình “Không còn nạn đói” không có kinh phí độc lập nên cần sự quan tâm hơn của chính quyền địa phương trong việc lồng ghép vốn.