Đàn ông trung niên học làm nội trợ
Thành phố Kuala Lumpur là nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài Các nước đạt thỏa thuận lập quỹ hỗ trợ nước nghèo đối phó thảm họa khí hậu |
Trước khi ông Masahiro Yoshida kết hôn, người mẹ đã phụ trách mọi bữa ăn hằng ngày trong gia đình. Sau khi lập gia đình, vợ là người đảm nhiệm vai trò nấu ăn cho ông. Tuy nhiên, đến khi ông Yoshida nghỉ hưu cách đây 4 năm, người vợ đã đề nghị họ cùng chia sẻ việc nấu nướng của gia đình. Ông Yoshida đồng ý nhưng đến cả những món cơ bản cũng gây khó khăn bởi chưa từng vào bếp nấu nướng.
Một học viên trung niên tại lớp học nội trợ (Ảnh: The Washington Post) |
Sau gần 65 năm né tránh nhà bếp, nay đã đến lúc ông phải tự tay nấu ăn. Ông Yoshida đăng ký học lớp nấu ăn. Ngày càng có nhiều nam giới Nhật Bản cũng hành động như ông Yoshida. Khóa học 6 tháng tại trường nấu ăn Better Home sẽ giúp học viên có được kỹ năng như nghiền tỏi, thái nấm, mua thịt… Ông Yoshida thừa nhận: “Trước đây tôi không hề biết rằng quá trình nấu nướng lại phức tạp như vậy”.
Trong nhiều thế hệ tại Nhật Bản, vai trò giới rất nghiêm ngặt. Thậm chí, nam giới đến thời điểm về hưu vẫn chưa từng cầm dao hay rửa bát. Nhiều ông chồng thường nói câu “Danshi-chubo-ni-hairazu” (nam giới phải thấy xấu hổ khi ở trong bếp). Ngay cả những ông chồng muốn phụ giúp vợ làm việc nhà cũng không biết cách thực hiện.
Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nam giới Nhật Bản thường nhận trách nhiệm nội trợ và trông trẻ em ít hơn so với nam giới các nước khác trong khối. Chỉ có 14% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ thường tự nấu bữa ăn cho chính mình.
Các học viên tại lớp của Better Home làm việc theo nhóm (Ảnh: The Washington Post) |
Với tình trạng dân số già hóa, tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản đã lên tới trên 80 tuổi. Nhiều phụ nữ đã vạch ra giới hạn và tuyên bố họ không còn muốn dọn dẹp đống hỗn độn của chồng.
Ông Yasuyuki Tokukura, người vận hành nhóm phi lợi nhuận Fathering Japan nhận định: “Vấn đề lớn nhất là nam giới không chịu trách nhiệm đối với việc nội trợ”. Tình trạng vẫn kéo dài ngay cả khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động
Có nhiều phụ nữ như vợ của ông Yoshida đã “kéo” chồng vào bếp. Do vậy, các ông chồng phải học điều cơ bản nhất. Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ điều này với các trung tâm cộng đồng mở lớp học miễn phí để dạy nấu ăn, giặt là, dọn dẹp.
Để đáp ứng nhu cầu nam giới vào bếp ngày càng tăng, ông Motohiko Onoue đã thành lập trường kinh tế gia đình Kaji Osu. Lớp học của ông thường tập trung hàng chục học viên quanh chiếc lò nướng ở một nhà cộng đồng tại thành phố Shiki để dạy cách làm món gà chiên. Lớp học nằm trong khóa kéo dài 6 tuần trong đó có những nội dung như cách rửa lò nướng, loại bỏ vết bẩn quần áo, làm miso.
Các năm học viên cao tuổi tại một lớp nấu ăn ở Shiki (Nhật Bản) đang tập nấu ăn (Ảnh: The Washington Post) |
Cách đây 5 năm khi ông Onoue thành lập trường Kaji Osu, đã có nhiều người cười nhạo về việc dạy công việc nội trợ cho nam giới. Ngược lại, ông lại thấy đây là thị trường đặc biệt với rất nhiều tiềm năng. Để khuyến khích tư duy học viên, ông Onoue không sử dụng công thức theo từng bước được lập sẵn. Ông nói: “Nam giới quen với suy nghĩ kinh doanh cần vấn đề để giải quyết. Do đó, tôi đưa cho họ hướng dẫn và nguyên liệu cơ bản. Từ đó, họ tự khám phá”.
Khóa học làm bếp này khá phổ biến với nam giới ly hôn hoặc góa vợ bởi họ không biết những điều cơ bản trong chăm sóc bản thân. Ông Takashi Kaneko (74 tuổi) đăng ký học lớp nội trợ sau khi vợ mất cách đây 4 năm. Ông Kaneko đã chia sẻ: “Khi các con đến thăm thường là lúc chúng đã thấm mệt vì công việc và muốn được thư giãn. Nếu mẹ chúng còn sống, bà ấy chắc chắn sẽ nấu ăn, tôi cũng muốn làm điều tương tự”.
Một thành viên khác của lớp học, ông Kikuo Yano (80 tuổi) chia sẻ rằng muốn gây bất ngờ cho người vợ đã đồng hành 43 năm. Ông cười nói: “Mọi người nhìn thấy chiếc áo này chứ? Tôi đã tự là nó. Đó là điều mà mấy chục năm nay tôi chưa từng động vào. Đến giờ, tôi đã làm được!”.