Đạo diễn Chua Soo Pong mang “tính đô thị” vào kịch Hồng Lâu Mộng phiên bản Việt
Nhà hát Kịch Việt Nam vừa có buổi công diễn vở kịch Hồng Lâu Mộng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 29/10. Đây là dự án lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam – như một lời chia tay với Giám đốc Nguyễn Thế Vinh. Ông Nguyễn Thế Vinh sẽ nghỉ chế độ từ sau ngày 31//10/2017. Đêm diễn 29/10 không chỉ xúc động bởi vở kịch mà còn xúc động bởi mà chia tay nghẹn ngào của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam với người đã chèo lái con thuyền Nhà hát kịch trong suốt 5 năm “khó khăn nhất từ trước tới nay” của Nhà hát kịch được coi là “anh cả đỏ” của làng sân khấu kịch Việt Nam.
Vở diễn cũng là tác phẩm được Nhà hát Kịch Việt Nam đầu tư công phu để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát vào tháng 12 tới.
Đạo diễn Chua Soo Pong cùng Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh chụp ảnh cùng tập thể nghệ sĩ tham gia vở kịch Hồng Lâu Mộng – vở kịch như một lời chia tay với Giám đốc Nguyễn Thế Vinh chuẩn bị nghỉ hưu.
"Hồng Lâu Mộng" do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện mới về sân khấu, diễn viên, phục trang nhưng cách kể chuyện của đạo diễn Chua Soo Pong lại không hề mới.
Chua Soo Pong là một đạo diễn người Singapore từng dàn dựng một số chương trình tại Việt Nam, đáng kể hơn cả là vở tuồng cổ Dưới bóng đà huyền thoại.
Trong lần trở lại Việt Nam lần này, Chua Soo Pong nhận lời làm đạo diễn Hồng Lâu Mộng phiên bản Nhà hát Kịch Việt Nam. Đây cũng lần đầu tiên tác phẩm của Tào Tuyết Cần được chuyển thể trên sân khấu Việt.
Ngay khi thông tin về việc Hồng Lâu Mộng được dàn dựng, nhiều người hâm mộ một trong "tứ đại danh tác" này của Trung Quốc đã bày tỏ sự hồi hộp, chờ đợi. Buổi công diễn đầu tiên đêm 29/10, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín khán giả.
Chuyện kịch cũng vẫn là cốt truyện mà Tào Tuyết Cần đã viết; nhưng rõ ràng ở đây, mỗi nhân vật đều đã “người” hơn, có tính cách, số phận cũng rõ rệt hơn. Hay nói như cách của TS Nguyễn Thị Minh Thái đó là “tính đô thị” – các nhân vật đã được thổi vào cá tính, cái Tôi đậm nét – điều tưởng như không có trong xã hội phong kiến nho giáo lúc bấy giờ.
Giây phút gặp gỡ đầu tiên của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc mà ngỡ như đã gặp nhau từ muôn kiếp nào
Tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” của nhà văn Tào Tuyết Cần, một trong bốn kiệt tác của văn học cổ điển Trung Hoa, vốn đã đậm tính nhân văn, lấy đi biết bao nước mắt của người đọc qua các thời đại qua cuộc tình đầy bi thương của Lâm Đại Ngọc- Giả Bảo Ngọc. Lần này, dưới bàn tay của đạo diễn người Singapore, Tiến sĩ Chua Soo Pong (ông cũng chính là người chấp bút viết kịch bản), mối tình Lâm - Giả hiện ra càng nhân văn hơn, đáng trân trọng hơn và “người” hơn.
Chuyện kịch mở ra khi cô bé Lâm Đại Ngọc thân mang bệnh từ nhỏ, mong manh như một làn tơ xuất hiện ở Vinh Quốc phủ. Mẹ vừa qua đời, Lâm Đại Ngọc được bà ngoại là Đại lão phu nhân cho người vượt qua hàng trăm dặm đưa về nuôi. Gặp bà ngoại, gặp bác là Vương phu nhân, gặp chị dâu Phượng Ớt… nhưng quan trọng nhất trong buổi đầu gặp gỡ ấy là gặp anh họ Giả Bảo Ngọc, cậu bé thông minh, lanh lợi, nổi tiếng với viên ngọc quý mang theo người từ nhỏ, cũng là “ông trời nhỏ” của Vinh Quốc phủ.
Duyên đã định, họ vừa gặp là đã như quen ngàn năm trước, “trước mặt rõ là khách đến chơi, mà trong lòng như là người tri kỷ”. Nếu ai đã đọc truyện, thì đều sẽ hiểu cái cảm giác tri kỷ ấy, bởi chính là Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc đã có duyên từ kiếp trước, Lâm Đại Ngọc là cái cây được Giả Bảo Ngọc lúc đó là một vị thần ngày ngày tưới nước cho, nên kiếp này nàng xuống trần, dùng nước mắt của mình để báo đáp.
Cũng bởi vậy, câu chuyện tình yêu đẹp như mơ của Lâm- Giả mới luôn đầy nước mắt, nước mắt giận hờn, nước mắt của “tâm bệnh” mà họ “ban” cho nhau, nước mắt của sự bất hạnh vì phải chia lìa mà họ gánh chịu…
Lâm - Giả vừa gặp đã thành tri kỷ, mối tình nảy nở lúc nào họ không hay; nhưng giữa một cô gái nhiều tâm tư, thâm sâu hay nghĩ suy, lại mang nỗi tự ti mình là người mồ côi, phải đi ở nhờ, ăn nhờ, mặc nhờ; và một chàng trai giàu lòng yêu thương, tư tưởng rất tiến bộ (ghét học hành, khoa cử, yêu thương mọi người, nhất là phụ nữ, yêu thương và coi “con hát” là bạn bè để bảo vệ…), nhưng cũng còn nhiều ràng buộc, nhiều vô tâm vô tính… thì tình yêu ấy vui nhiều mà buồn còn nhiều hơn.
Giả Bảo Ngọc thích vẫy vùng, tự do, ghét khoa cử, học hành.
Nhất là khi giữa họ xuất hiện Tiết Bảo Thoa, cô gái được coi là hiểu chuyện, chín chắn, ai ai trong phủ cũng yêu mến, lại có khoá vàng hợp với miếng ngọc của Giả Bảo Ngọc. Thế là cả hai, Lâm Đại Ngọc - Giả Bảo Ngọc, vốn dĩ vui tươi, sống bên nhau hạnh phúc, bỗng đều mắc bệnh lạ, căn bệnh mà như Giả Bảo Ngọc cuối vở diễn khóc than mà nói với Đại lão phu nhân: Chỉ hai người họ mắc và cũng chỉ hai người họ có thể chữa cho nhau.
Nhưng tình yêu ít nhiều tự do của họ làm sao có thể hợp với lề lối thời đó, tâm tình trẻ con sao có thể lọt mắt những người vốn chỉ nghĩ tới môn đăng hộ đối, khoa cử, đỗ đạt, làm quan. Nên với âm mưu của Phượng Ớt, với sự đồng tình của Đại lão phu nhân, Vương phu nhân; trong hôn lễ, họ đã đánh tráo cô dâu, buộc Giả Bảo Ngọc cưới Tiết Bảo Thoa. Ngay trong ngày làm đám cưới, quá đau đớn, Lâm Đại Ngọc đã lìa trần…
Chuyện kịch cũng vẫn là cốt truyện mà Tào Tuyết Cần đã viết; nhưng rõ ràng ở đây, mỗi nhân vật đều đã “người” hơn, có tính cách, số phận cũng rõ rệt hơn.
TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi đây là “tính đô thị” của vở diễn. “Tác giả chú ý đến cái tôi của mỗi nhân vật, một cách nghĩ rất gần với thời hiện đại” – TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Lâm Đại Ngọc - Giả Bảo Ngọc thành tri âm, tri kỷ ngay từ ngày đầu gặp gỡ.
Đặc biệt là nhân vật Giả Bảo Ngọc. Giả Bảo Ngọc trong vở kịch là một chàng trai trẻ tuổi, vẫn rất mải rong chơi, nhưng lại cũng rất có trách nhiệm với tình yêu, với hạnh phúc riêng của mình. Chống lại những ràng buộc của danh gia vọng tộc, của trách nhiệm phải làm rạng danh tổ tông bằng đỗ đạt, khoa cử; chàng cũng sẵn sàng đứng lên chống lại cả gia đình, cả rường cột phong kiến lúc đó để bảo vệ tình yêu. Giả Bảo Ngọc vui biết bao khi nghe tin được kết duyên cùng Lâm Đại Ngọc, hạnh phúc như nở hoa nghĩ tới những ngày “chim liền cánh, cây liền cành”; khi mà họ có thể bên nhau “mùa xuân cùng nhau trồng hoa, mùa thu cùng nhau đọc sách”. Nhưng rồi khi biết người mình cưới là Tiết Bảo Thoa, chàng đã phản kháng dữ dội, nhất định không chịu nhận người đó là vợ mình.
Cũng chính chàng, khi biết Lâm Đại Ngọc qua đời, đã tới quỳ trước án hương nhận lỗi, lên án xã hội mà “lòng người như đao kiếm đã ép muội về nơi chín suối”… Chàng cũng không chấp nhận cuộc hôn nhân mà quyết định bỏ đi cùng một vị hoà thượng.
TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng đặc biệt đánh gia cao lối dựng mới mẻ, hiện đại, đúng kiểu Trung Hoa hiện đại của đạo diễn. “Đạo diễn đã buông bỏ nguyên tắc ước lệ của sân khấu truyền thống” – TS Thái nói.
Với Tiết Bảo Thoa, cũng không còn là một cô gái an phận thủ thường, không chính kiến, chịu sự sắp đặt của cha mẹ; mà là một cô gái cũng biết yêu, biết tủi. Tiết Bảo Thoa trong kịch yêu Giả Bảo Ngọc, nên hạnh phúc khi biết mình được gả cho chàng; nhưng lại cũng biết về tình yêu của Lâm- Giả sâu sắc thế nào, nên đau đớn rằng liệu mình có nên huỷ hôn, nên “ghìm cương ngựa bên bờ vực”?
Đám cưới bị sắp đặt Giả Bảo Ngọc- Tiết Bảo Thoa, mang tới bất hạnh cho họ.
Tài năng của đạo diễn không chỉ ở việc “thổi” cái Tôi vào trong các nhân vật khiến các nhân vật hiện lên sống động, con người hơn, hiện đại hơn, thành thị hơn và lối dựng kịch hiện đại. Tài năng của đạo diễn Chua Soo Pong còn thể hiện ở một sân khấu được đầu tư kỹ lưỡng, vừa đảm bảo tính hiện đại mà vẫn dựng lên được bối cảnh của thời đại câu chuyện.
Ngoài ra, phần âm nhạc của vở diễn cũng rất đắt giá. Đạo diễn đã rất tài tình khi hòa trộn khéo léo âm nhạc truyền thống Trung Hoa với … nhạc giao hưởng và thậm chí là nhạc đương đại. Phần âm nhạc của vở diễn đã góp công lớn trong việc tạo dựng tầm vóc của một vở kịch hoành tráng.
Giả Bảo Ngọc quỳ trước hương án của Lâm Đại Ngọc, lên án "lòng người như đao kiếm".
Góp phần làm lên sự thành công của vở diễn Hồng Lâu Mộng không thể không kể đến tài năng diễn xuất của tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Có thể nói, từ các diễn viên chính cho tới các diễn viên phụ trong vở kịch đều thể hiện xuất sắc vai diễn của mình. TS Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá rất cao diễn xuất của dàn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam.
“Diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ rất đáng ghi nhận khi họ vừa thể hiện thành công bi tâm lý trong bi kịch tình yêu kiểu phương Tây (Vở Jomeo và Juliet mà Nhà hát kịch Việt Nam vừa ra mắt công chúng - PV) và bi kịch tình yêu kiểu phương Đông (Trung Hoa) trong vở Hồng Lâu Mộng này” – TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Ước mơ mãi mãi bên nhau của Lâm Đại Ngọc- Giả Bảo Ngọc ở cuối vở kịch.