“Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn” đêm nghệ thuật ấm nồng nghĩa tình đồng đội
Tiết mục “Anh Văn của đồng đội”- bài hát nhạc sĩ Đào Hữu Thi viết tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp được biểu diễn trong đêm nhạc "Đào Hữu Thi- nhạc sĩ Trường Sơn"
Bài liên quan
Lễ Tổng kết và trao giải "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019"
Xuất bản tác phẩm của người đầu tiên đến hai vùng cực và đỉnh núi cao nhất thế giới
Triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn"- tri ân thế hệ đi trước, tiếp lửa thế hệ trẻ ngày nay
Bích Hồng thổi một làn gió mới cho những ca khúc về Bác Hồ
Chương trình có sự tham gia của NSƯT Bích Việt, NSND Vi Hoa cùng gần 100 nghệ sĩ là những CCB của chiến trường hoa lửa năm xưa cùng đông đảo sinh viên đang học tập tại mái trường Đại học Văn hoá.
Chương trình cũng có sự xuất hiện của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh; nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường; Thiếu tướng - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền - nguyên tư lệnh công binh, nguyên giám đốc đường tuần tra biên giới; Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc ủy viên thường vụ Đảng ủy, phó tư lệnh binh đoàn 12, đơn vị kế tục đoàn 559 bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Cách đây đúng 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã ra đời, từng bước được xây dựng, phát triển, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lớp lớp những người lính ra trận đã để lại dấu chân mình trên con đường Trường Sơn huyền thoại, trong số đó có chàng nhạc sĩ trẻ Hà Nội - Đào Hữu Thi.
Trường Sơn đã trở thành nguồn cảm xúc bất tận để ông viết rất nhiều tác phẩm âm nhạc.Trong 23 năm mặc áo lính, nhạc sĩ Đào Hữu Thi có tới 8 năm gắn bó với Trường Sơn. Chính những tháng năm cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã viết lại nhật ký về chiến tranh, về những người đồng đội thân yêu bằng âm nhạc.
Sau hơn 2 thập niên khoác áo lính, nhạc sỹ Đào Hữu Thi về giảng dạy tại mái trường ĐHVH Hà Nội trong 22 năm.
Tiến sĩ Đinh Công Tuấn - phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Hoá tặng hoa chúc mừng thày giáo - nhạc sĩ Đào Hữu Thi (trái) |
Phát biểu chúc mừng thày giáo- nhạc sĩ Đào Hữu Thi, tiến sĩ Đinh Công Tuấn phó hiệu trưởng trường ĐHVH Hà Nội nhấn mạnh: “ Nhạc sĩ - nhà giáo Đào Hữu Thi từng là người lính chiến đấu tại Trường Sơn. Những tháng năm gian khổ đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác những bài hát làm sống dậy miền ký ức kiêu hùng của những người lính gửi trọn thanh xuân cho Trường Sơn.
Rời quân ngũ, nhạc sĩ Đào Hữu Thi lại trở về trong vai trò người thày giáo, nguyên là chủ nhiệm bộ môn âm nhạc, thày đã có nhiều đóng góp trong việc giảng dạy truyền bá kiến thức cho nhiều thế hệ học trò. Nhà trường luôn ghi nhận công lao của thày giáo Đào Hữu Thi.
Bản thân tôi cũng rất may mắn khi đã trải qua quân ngũ và cũng được thày giảng dạy trong quãng đời sinh viên. Tôi luôn tự hào về người thày đáng kính của mình. Đêm nay, chúng ta có mặt tại đây để cùng chia sẻ với ông những cảm xúc bằng âm nhạc về Trường Sơn, về ngôi trường Đại học Văn hoá thân yêu!”
Với gần 20 tác phẩm được chọn lọc trình bày trong chương trình đã thể hiện sự lãng mạn và chất anh hùng ca rất rõ trong âm nhạc của Đào Hữu Thi.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hình ảnh về một thủ đô thanh lịch, đầy chất trữ tình luôn nằm ở một vị trí trang trọng trong trái tim người lính Trường Sơn năm xưa. Để rồi từ đó tác phẩm “Nhớ mãi một chiều thu” ra đời. Bài hát này được học trò cũ lớp K19 - Phương Phạm và ca sĩ Phương Anh trình bày trở thành điểm nhấn thú vị trong đêm giao lưu nghệ thuật Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn”.
Tiết mục biểu diễn trong đêm giao lưu nghệ thuật "Đào Hữu Thi- nhạc sĩ Trường Sơn" |
Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch đầy trông gai thử thách. Con đường máu lửa đã phải đối phó với các loại thiết bị tinh vi, hiện đại bậc nhất của nền quốc phòng Mỹ, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn Miền Nam. Nhắc đến tuyến đường ấy, không thể không nhắc đến sự đóng góp của những cô gái Trường Sơn và những yêu thương trân trọng người con gái ở chiến trường, Đào Hữu Thi đã viết ca khúc: “Em là cô gái Trường Sơn” và bài hát này đã được chính các nữ CCB của quận Long Biên thể hiện.
Đêm diễn quy tụ các CCB của đội nghệ thuật Trường Sơn, cùng hội ngộ trong một đêm thơ nhạc và cất cao lời ca nhớ lại những địa danh, những cung đường mà họ đã từng gửi trọn tuổi xuân: "Núi tiếp núi đường chập trùng em bước/ Dốc Miếu Do Linh ơi trăm mến ngàn thương/Máu các em nhuộm đỏ những cung đường" (Tình em gửi trọng con đường).
Trên núi rừng Trường Sơn có một con đường có tên gọi là đường ống dẫn xăng dầu, hàng ngàn cây số từ Bắc vào Nam xuyên qua ngàn ngày bom rơi đạn nổ. Đó là một dòng chảy huyền thoại được xây dựng nên bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam. Song hành với đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn, đường ống xăng dầu vào Nam là kỳ tích của cả dân tộc góp phần "đánh Mỹ và thắng Mỹ". Đây cũng là cảm hứng để nhạc sỹ Đào Hữu Thi viết thành ca khúc “Đường ống Trường Sơn”.
Một sáng tác đặc biệt mà nhạc sĩ Đào Hữu Thi viết riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam mang tên “Anh Văn của đồng đội” đã mang lại sự xúc động cho tất cả những người lính, các thày cô và toàn thể các sinh viên.
Tiết mục “ Anh Văn của đồng đội” là bài hát nhạc sĩ Đào Hữu Thi viết tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Trong phần giao lưu với khán giả, nhạc sĩ Đào Hữu Thi rưng rưng xúc động, ông gửi lời cảm ơn Trường Sơn, cảm ơn các đồng đội và ông cho rằng “Những bài hát này không phải của tôi đâu mà hoàn toàn thuộc về những người đồng đội của tôi ở Trường Sơn. Nếu không mặc áo lính, không trải qua những tháng ngày ác liệt của cuộc chiến thì tôi không thể có những bài hát xúc động như vậy!”
Ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Đào Hữu Thi với Trường Sơn, vị khách mời là thiếu tướng - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền - nguyên tư lệnh công binh, nguyên giám đốc đường tuần tra biên giới nhấn mạnh “cảm ơn những sáng tác về Trường Sơn của nhạc sĩ Đào Hữu Thi, những bài hát của anh luôn nhắc nhớ về kỷ niệm hào hùng của chúng tôi, về những người đồng đội đã dành trọn tuổi xuân cho đất nước. Tôi ấn tượng nhất với ca khúc “Tình em gửi trọn con đường” bởi mỗi khi giai điệu bài hát đó ngân lên lại khiến tôi liên tưởng tới những cô gái Trường Sơn bất khuất, anh hùng mà vô cùng lãng mạn.”
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - chủ tịch hội âm nhạc Hà Nội đã khẳng định “Nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã ghi lại nhật ký về Trường Sơn bằng âm nhạc. Những sáng tác của ông ngoài giá trị về mặt nghệ thuật âm nhạc thì còn có giá trị rất ý nghĩa về lịch sử về giáo dục cho thế hệ mai sau.”
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi (mặc quân phục màu trắng ngồi giữa) giao lưu cùng khách mời là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (Chủ tịch hội âm nhạc Hà Nội) và Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Hoàng Kiền |
Đêm giao lưu “Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn” kết thúc vỡ òa trong niềm hân hoan xúc động, sắc áo lính như màu xanh bất tận của dải Trường Sơn, nghĩa tình đồng đội, thày trò tràn ngập trong vòng tay, ánh mắt, nụ cười.
Những CCB của Trường Sơn năm xưa, giờ tóc bạc, da mồi họ ôm chầm lấy nhau cùng cất vang lời hát: “Gặp lại nhau đây những cựu chiến binh tưởng như năm tháng ngày xưa vọng về/ Gặp lại nhau đây ai còn, ai mất để lòng tôi xao xuyến bồi hồi...”
Đêm tháng 5 giữa lòng thủ đô Hà Nội, những ký ức về Trường Sơn thật hào hùng, oanh liệt mà cũng rất lãng mạn, trữ tình đã được tái hiện qua những sáng tác của nhà giáo - nhạc sĩ Đào Hữu Thi khiến cho tất cả những ai tham dự đêm giao lưu nghệ thuật “Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn” lòng ngập tràn niềm tự hào, xúc động và hình ảnh người lính Trường Sơn mãi mãi khắc sâu trong tâm trí chúng ta.