Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Trần Lê Khánh là một điều mới mẻ, một tinh thần khác"
Nhà thơ Trần Lê Khánh trả lời phỏng vấn báo chí trước buổi tọa đàm "Xứ" tại Hà Nội
Bài liên quan
"Hẹn hò" nhà văn Nguyễn Nhật Ánh "Làm bạn với bầu trời" cuối tuần này tại Hà Nội
Ra mắt Tủ sách "Văn học trong nhà trường"
Cùng nhà văn Trần Thùy Mai tọa đàm về "Lịch sử và nữ quyền trong văn chương"
“Vua phóng sự miền Tây” lần đầu tiên “hành phương Bắc” ra mắt sách
Hé lộ vẻ đẹp mới
Buổi giao lưu có sự góp mặt đông đảo của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cùng ban lãnh đạo nhà trường, các em sinh viên của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Cụ thể, nhà thơ của "Sự mất ngủ của lửa" cho biết: "Suy nghĩ từ lâu nhưng tới lần này chúng tôi tính tìm cách trả lại những điều, những vẻ đẹp, sự thiêng liêng của thi ca giống như một nghi lễ quan trọng, lịch sử của dân tộc Việt Nam tôi có thể nói gắn với lịch sử thi ca. Người Việt yêu thơ, chúng tôi muốn mời nhà thơ ở mọi miền đất nước để giới thiệu...
Tôi nằm trong ban tổ chức nhưng không hình dung được hội trường bên trong, bên ngoài như hôm nay, tôi thực sự xúc động. Tôi cảm thấy điều gì đó đang trở lại trong chúng ta trong cuộc mưu sinh điên rồ, đôi khi là rối loạn thì những vẻ đẹp nghệ thuật, nhân tính, vẻ đẹp của tâm hồn đang từng bước quay trở lại".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (đứng) phát biểu trong buổi giao lưu, tọa đàm "Xứ" |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng tiếp tục giải thích: "Tại sao tôi chọn Trần Lê Khánh – một người mà tính nguy hiểm nếu là trong showbiz thì sẽ thất bại nhưng chúng tôi muốn hé lộ một vẻ đẹp mới như một mầm cây, một nụ hoa hé mở. Các bạn đến chứng tỏ sự trọng thị dành cho một nhà thơ khiến tôi nghĩ rằng chỉ đến để nhìn nhau cũng đủ rồi.
Mỗi người ngước nhìn lên đều thấy đám mây đã thay đổi vẻ đẹp của nó, nghĩa là đám mây đó không bao giờ bất động, nó trôi trên bầu trời và mở ra những vẻ đẹp mới. Cũng là đám mây được sinh ra từ nước, sự tinh khiết, mở ra muôn vàn vẻ đẹp trong cách nhìn của thế hệ Trần Lê Khánh. Trần Lê Khánh có cách nhìn khác biệt chúng tôi, nhưng chúng tôi tôn trọng cách nhìn đó, cách nhìn của tương lai thì thuộc về tương lai. Mỗi thế hệ nhà thơ sẽ mang ngôn ngữ, tư cách, thái độ, nỗi dày vò, cơn mơ... của thế hệ đó, vì thế chúng tôi giới thiệu Trần Lê Khánh.
Thơ Trần Lê Khánh, theo tôi là tối giản, cô đọng, thơ ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc – tâm hồn tươi tốt thì cây sẽ mọc lên tươi tốt.
Các tác phẩm đã xuất bản của Trần Lê Khánh |
Có hai loại sáng tác, một loại giống như cánh hoa mở ra vô tận, mang một vẻ đẹp huyền ảo, nhưng có một loại sáng tác thu lại tinh khiết và bền vững như một hạt cây.
Tôi nói vậy không phải để biện minh cho loại thơ dài ngoằng của tôi mà không biết kết thúc ở đâu, tôi nói về khuynh hướng sáng tạo.
Trân trọng giới thiệu nhà thơ Trần Lê Khánh – một điều mới mẻ, một tinh thần khác, một tư duy khác. Trong sáng tạo, nếu không làm ra sự khác biệt thì đồng nghĩa với cái chết. Sự khác biệt không phải tùy tiện mà nằm trong tự do, nguyên lý cơ bản của sáng tạo nghệ thuật.
Chúng tôi thật lòng muốn kêu gọi tất cả những nhà thơ, nhà nghiên cứu, bạn đọc hãy mang thơ ca quay trở lại trong đời sống như một nghi lễ để giảm bớt những phiền muộn, đau nhức mà chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày trên những trang mạng điện tử về nhân tính của con người".
Quy luật 90-10
Nhà thơ Trần Lê Khánh tâm sự: "Tôi muốn chia sẻ với quý vị, tôi mới làm thơ một thời gian gần đây, khi mới xem về thơ thì tôi thấy đọc thơ người khác hay hơn hẳn. Trước tôi đọc thơ của những nhà thơ nổi tiếng nhưng không cảm hết được, khi trăn trở những câu thơ của mình thì đọc thơ những tác giả Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Khuyến, Bùi Giáng... có những câu thơ mà giống như tôi lọc được viên kim cương, tôi cứ ngây người trước những vẻ đẹp của nó".
Tại buổi giao lưu anh cũng thú nhận với độc giả rằng lần đầu tiên anh đọc thơ theo đúng nghĩa. Nhưng do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: Đọc thơ là nghi lễ. Vì thế anh rất khiêm nhường khi nói: "Tôi mong các bạn thông cảm cho tôi khi hôm nay tôi đọc những bài thơ của mình".
Khán giả rất bất ngờ khi nghe anh chia sẻ về quy luật làm thơ của mình: "Tôi quan niệm, một bài thơ thì tựa chiếm 50% quyết định cái hay hay dở bài thơ, loại hình thơ mà tôi vừa làm. Mỗi lần làm thơ xong tôi có quy luật 90-10, tức là 90% bài thơ tôi có thể chỉ làm trong vài phút khi ý tưởng xuất hiện, nhưng 10% có thể mất 1 tháng để đặt tựa bài thơ, nhìn lại câu chữ, cân nhắc chỉnh sửa lại".
Bằng giọng đọc lôi cuốn, cách dẫn dắt hé mở những tầng nghĩa sâu xa, anh khiến những bài thơ ngắn, kiệm chữ và nhiều cảm xúc của mình cứ ngân lên trong lòng khán giả những ấn tượng vô cùng đặc biệt.
Chính vì thế, nhà phê bình Văn Giá nhận định: "Chỉ qua 5 bài thơ rất ngắn mà đôi khi chúng ta cảm giác Trần Lê Khánh chưa đọc hết, cho thấy đặc tính thơ Trần Lê Khánh. Sự khác biệt vô cùng giữa tên và những câu thơ trong bài thơ.
Thường tôi làm thơ, tên bài với những câu thơ đồng nghĩa. Ngày xưa nhà thơ Phạm Tiến Duật còn sống có nói với tôi: Nếu cả bài thơ là tình thì tên bài là lý. Nếu toàn bài thơ là lý thì tên bài phải rất tình.
Không gian buổi tọa đàm còn là buổi triển lãm trưng bày các ấn phẩm thơ và các bức phụ bản của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ cho thơ Trần Lê Khánh |
Một bài thơ chỉ có nghĩa vụ gợi người đọc đọc văn bản của anh ta lâu nay bị bụi mờ che phủ, cũng như các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Quang Hòa, Việt Chiến... viết bài thơ xúc động về mẹ mình, thì không phải chúng tôi yêu mẹ anh ấy, mà để chúng tôi yêu mẹ chúng tôi.
Trần Lê Khánh đã không đi trên bất cứ lối mòn nào đã có sẵn trước đó, trong cách cấu trúc, xây dựng hình ảnh, ý tưởng, và tính đa tần của trí tưởng tượng khác".
Gương mặt xuất sắc
Từ phương Nam xa xôi đến Hà Nội cùng với nhà thơ Trần Lê Khánh, nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn đưa ra những nhận định sắc sảo: "Với tôi và những người bạn ở TP Hồ Chí Minh, Trần Lê Khánh là gương mặt xuất sắc trong thế hệ chúng tôi – thế hệ 7X tại đây.
Anh Trần Lê Khánh học rất giỏi, bước vào lĩnh vực tài chính bằng năng lực. May mắn là trong thế hệ chúng tôi có một người bằng thực lực của mình dự phần vào thế giới những người luân chuyển dòng tiền trong xã hội ở đây, đó là anh Trần Lê Khánh.
Các khách mời giao lưu, tọa đàm về thơ của Trần Lê Khánh |
Do đó, việc anh chuyển qua thơ đối với tôi lúc đầu là bất ngờ, nhưng sau thì không vì chơi với anh Khánh tôi biết anh rất lãng mạn, anh không làm thơ mới là lạ. Điều tôi không ngờ là anh làm thơ hay".
Tác giả của "Trong bóng người xưa" cũng kể rằng: "Cách đây 3 năm, anh tặng thơ cho tôi, tôi hỏi: Anh làm thơ để thư giãn đúng không? Anh chỉ cười. Tôi mang tập thơ về đọc và sau đó tôi mới nói anh thực sự là thi sĩ. Tôi rất nhớ hai câu thơ của anh: "Người đi bỏ lại bầu trời/Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay".
Tôi nói với anh chỉ với hai câu thơ này tôi thấy anh là một nhà thơ rồi. Nhưng tôi cũng nói anh là người thông minh và đừng để những câu thơ lục bát kìm hãm, hãy để cho nó tự do thể hiện suy nghĩ, khả năng, sức tưởng tượng của anh. Anh chuyển sang làm thơ ngắn và tôi không thất vọng khi đọc những bài thơ ngắn của anh.
Cũng viết về bầu trời, sự quan sát của mình nhưng anh Khánh tìm được lối viết khác. Như bài Trong lúc em mơ, anh viết: Ngọn đèn dầu/Ném bóng mình qua cửa sổ/Cho một vì sao. Đây là bài thơ chứng tỏ khả năng liên tưởng rất xa của người thi sĩ.
Phía Nam có nhiều người làm thơ lục bát được xem là có chất riêng, lối sống miền Nam đã thay đổi thi sĩ gốc Thanh Hóa, chẳng hạn như Nguyễn Duy. Anh Trần Lê Khánh tiếp nối dòng thơ lục bát phương Nam, cộng vào đó chất trí tuệ, suy tưởng, nên thơ lục bát của anh Khánh vẫn khác với người đi trước".
Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Việt Chiến cũng dành những lời trân trọng: "Tôi muốn nói với Trần Lê Khánh: Thơ tự do, thơ ngắn của bạn mới làm nên cái đổi mới của thơ Trần Lê Khánh hôm nay. Đến thơ tự do, chúng ta mới thấy Trần Lê Khánh hiện lên với tất cả những chiều kích mới của suy tưởng, mang tâm thức lớn của thời đại, mang đời sống đổi mới về thi ca đương đại hôm nay".
Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971 tại Kim Bôi, Hòa Bình. Hiện anh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Lê Khánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004. Trước kia, nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.
Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 trở đi thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật.
Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm "Lục bát múa" (2016), "Dòng sông không vội" (2017), "Ngày như chiếc lá" (2018), "Lục bát múa trọn bộ" (2018), "Giọt nắng tràn ly" (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ Xứ. Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự bắt đầu của Nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.