Tag

“Đất thép thành đồng” Củ Chi vươn mình, bứt phá

Đô thị 30/04/2022 08:00
aa
TTTĐ - Anh dũng, kiên cường trong kháng chiến, được mệnh danh là “Đất thép thành đồng”, vùng đất Củ Chi từng là nỗi khiếp sợ với đế quốc thực dân. Mặc dù chịu nhiều tổn thương sau các cuộc chiến khốc liệt nhưng bằng tinh thần quật cường, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng đất anh hùng Củ Chi đã có những bước vươn mình mạnh mẽ, phát triển vượt bậc trong thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cần đổi mới mô hình tăng trưởng ở Củ Chi TP HCM: Bệnh viện dã chiến Liên minh công nông tại huyện Củ Chi chuẩn bị hoạt động

Vùng đất anh hùng

Địa danh Củ Chi được thành lập từ cuối thế kỷ XII, thuộc tổng Bình Dương huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng được thành lập, quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương được sáp nhập vào địa bàn TP Hồ Chí Minh thành một đơn vị hành chính gọi là huyện Củ Chi. Hiện nay, huyện Củ Chi có thị trấn Củ Chi và 20 đơn vị hành chính cấp xã.

Khách du lịch tham quan khu địa đạo Củ Chi
Khách du lịch và đoàn viên, thanh niên tham quan khu địa đạo Củ Chi

Theo Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi, suốt thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Củ Chi là địa bàn luôn diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và quân xâm lược.

Trước sự chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi, đế quốc Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, tổ chức trên 5.000 trận hành quân bố ráp hòng tiêu diệt ý chí chiến đấu của quân và dân nơi đây. Trong chiến tranh, bình quân mỗi người dân Củ Chi phải “gánh” 1,5 tấn đạn bom do kẻ thù ném xuống.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có biết bao xương máu của quân và dân Củ Chi ngã xuống để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do cho quê hương. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, huyện Củ Chi có hơn 17.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; Phong tặng, truy tặng 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 772 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có 2 đơn vị lực lượng vũ trang và 19/21 xã, thị trấn thuộc huyện đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Khắc ghi tinh thần chiến đấu hào hùng của quân và dân Củ Chi, tại văn bia Đền Bến Dược - Củ Chi viết: “Quân và dân Củ Chi với tinh thần sáng tạo không ngừng, đánh giặc bằng trăm phương ngàn cách, với mọi thành phần không phân biệt già, trẻ, lớn, bé; Mỗi người dân đều là chiến sĩ, với mọi công cụ trên mọi địa bàn tác chiến, “vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần”.

Chia sẻ về tinh thần chiến đấu quật cường của người dân Củ Chi, cựu chiến binh Đặng Văn Lân bày tỏ, tinh thần chiếu đấu anh hùng là nguồn cội tạo nên biểu tượng của quân và dân Củ Chi là địa đạo Củ Chi. Địa đạo là trận đồ biến hóa và sáng tạo trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, là một “kỳ quan đánh giặc” độc đáo có một không hai, không chỉ được Nhân dân cả nước mà còn được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.

Theo Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi cho biết, danh hiệu “Đất thép thành đồng” xuất phát từ năm 1967. Theo đó, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các lực lượng võ trang Nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ II do Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền Nam tổ chức ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tặng Củ Chi danh hiệu “Đất thép thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba.

“Đất thép thành đồng” vươn mình

Chiến tranh lùi xa, từ những đổ nát, hy sinh, mất mát, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Củ Chi đã đồng lòng xây dựng lại quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp. Hiện Củ Chi có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và Củ Chi cũng là huyện được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố.

Đất thép thành đồng Củ Chi đang vươn mình phát triển
Đất thép thành đồng Củ Chi đang vươn mình phát triển

Trong chiến lược phát triển của TP Hồ Chí Minh, Củ Chi cùng với Hóc Môn là hai huyện có thể lên thẳng quận hoặc hợp nhất trở thành thành phố. Củ Chi có điều kiện tự nhiên thuận lợi khi ít bị tác động tiêu cực của tự nhiên, biến đổi khí hậu. Đây chính là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản sinh thái, công nghiệp và logistic... Bên cạnh đó, Củ Chi có vị trí là cửa ngõ kết nối với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Về định hướng phát triển Củ Chi trong giai đoạn mới, Bí thư Huyện uỷ Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, hiện nay địa phương đang nỗ lực trong việc khai thác phát huy có hiệu quả các tiềm năng nội sinh, đồng thời tận dụng, nắm bắt tốt các tiềm năng ngoại sinh trong đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi quảng bá và thu hút đầu tư hiệu quả vào 9 dự án trên các lĩnh vực đã được TP Hồ Chí Minh phê duyệt, với tổng diện tích lên đến hơn 5.838ha.

“Thời gian tới, với những lộ trình cụ thể rõ ràng, chắc chắn, bền vững và những kiến nghị được quan tâm giải quyết hợp lý, huyện Củ Chi thực hiện khát vọng vươn lên, sẵn sàng chào đón, tạo các điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và làm giàu trên quê hương “Đất thép thành đồng”, góp phần phát triển từng ngày để Củ Chi vươn lên cùng thành phố”, Bí thư Huyện ủy Củ Chi chia sẻ.

Định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, huyện Củ Chi phấn đấu phát triển hơn nữa với các tiêu chí: Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2025 là 159.473,217 tỷ đồng, tăng bình quân 12,73%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 10%. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên 4.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 90% kế hoạch vốn được giao hằng năm. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người Củ Chi đạt trên 90 triệu đồng/người/năm...

Đô thị hóa đang khiến Củ Chi trở thành thỏi nam châm hút nhà đầu tư
Đô thị hóa đang khiến Củ Chi trở thành thỏi nam châm hút nhiều nhà đầu tư

Huyện Củ Chi cũng đã đề ra 6 chương trình trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 là: Chương trình khởi nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp; Chương trình xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, bền vững giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình xây dựng ấp, khu phố tự quản về an ninh trật tự và môi trường; Xây dựng đường, ngõ, hẻm không rác, xanh - sạch - đẹp; Chương trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội tự nguyện; Chương trình tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, chất lượng, hiệu quả của chi bộ ấp - khu phố; Chương trình nâng cao hiệu quả công tác dân vận, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống.

Trở thành cực phát triển mới của thành phố mang tên Bác

Trước thềm kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước cũng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 -2020, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Củ Chi - Hóc Môn năm 2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn năm 2022

Để đánh thức tiềm năng phát triển huyện Củ Chi, giữa tháng 4/2022 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. Hội nghị được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi lần này có 3 ý nghĩa quan trọng, cụ thể đó là thực hiện kế hoạch hành động của TP Hồ Chí Minh, thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri thành phố, đặc biệt là với cử tri hai huyện Hóc Môn và Củ Chi; Đồng thời, tạo cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, thành phố sẽ nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện thành công các dự án.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, TP Hồ Chí Minh cũng đã trao 10 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng) và 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng), trong đó các dự án chủ yếu là lĩnh vực giao thông.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nguyên tắc xuyên suốt của phát triển hai huyện phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững. Củ Chi, Hóc Môn không phải là mâm cỗ dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất”.

Đồng thời, Chủ tịch nước đã chỉ ra nút thắt kiềm chế sự phát triển của hai huyện chính là hệ thống giao thông. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách để huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Vành đai 3, 4, các tuyến đường ven sông… kết nối Củ Chi, Hóc Môn với khu vực trung tâm, sân bay, cảng biển.

Củ Chi hướng tới phát triển du lịch xanh
Củ Chi hướng tới phát triển du lịch xanh

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi tiếp thu và cho biết, hiện nay diện tích đất dành cho các dự án lớn và siêu lớn của các nhà đầu tư dần thu hẹp ở các khu vực giáp ranh thì ở Củ Chi vẫn còn khá lớn. Điều này giúp cho các dự án lớn và siêu lớn có sự đầu tư tập trung, không bị manh mún. Huyện Củ Chi luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến trên cơ sở khơi dậy và khai thác các tiềm năng với mục đích cùng phát triển.

“Khi các nhà đầu tư thực hiện dự án, huyện cũng sẽ tạo cơ chế thông thoáng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục thuộc thẩm quyền của huyện”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết.

Đọc thêm

Quảng Nam: Đề xuất nâng cấp Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc Đô thị

Quảng Nam: Đề xuất nâng cấp Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc

TTTĐ - Đầu tư dự án Nâng cấp Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc nhằm tưởng niệm, vinh danh các Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Không bổ sung quy định thu phí nội đô với ô tô cá nhân Xã hội

Không bổ sung quy định thu phí nội đô với ô tô cá nhân

TTTĐ - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đường bộ và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Giao thông đảm bảo thông suốt cho sĩ tử dự kỳ thi THPT Đô thị

Giao thông đảm bảo thông suốt cho sĩ tử dự kỳ thi THPT

TTTĐ - Sáng 27/6, các thí sinh Hà Nội bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo ghi nhận, giao thông quanh các điểm thi diễn ra thông thoáng, thuận lợi và an toàn.
Giải pháp kiến trúc và nội thất cho nhà ở đô thị Xã hội

Giải pháp kiến trúc và nội thất cho nhà ở đô thị

TTTĐ - Sáng 26/5, Báo Kinh tế và Đô thị, chuyên trang Diễn đàn Đô thị phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cộng đồng Thiết kế Nội thất trẻ Việt Nam tổ chức buổi toạ đàm “Giải pháp Kiến trúc và Nội thất nâng cao chất lượng sống cho nhà ở đô thị”.
Xe buýt - “Xương sống” trong vận tải hành khách công cộng Đô thị

Xe buýt - “Xương sống” trong vận tải hành khách công cộng

TTTĐ - Tại thành phố Hà Nội, xe buýt đóng vai trò là “xương sống” trong vận tải hành khách công cộng. Những năm gần đây, xe buýt càng ngày càng hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo nên bộ mặt giao thông đô thị văn minh, tiệm cận với các nước phát triển.
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Đô thị

Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

TTTĐ - Để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn tại các điểm thi và các khâu tổ chức kỳ thi.
Quận Ba Đình giải tỏa 10ha lấn chiếm bờ vở, bãi ven sông Hồng Đô thị

Quận Ba Đình giải tỏa 10ha lấn chiếm bờ vở, bãi ven sông Hồng

TTTĐ - Nhằm đảm bảo an toàn đê điều, an toàn thoát lũ, phòng chống lụt bão khu vực phường Phúc Xá, UBND quận Ba Đình đã huy động các lực lượng giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, vi phạm tại khu vực bờ sông Hồng.
Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao Cổ Linh Đô thị

Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao Cổ Linh

TTTĐ - Từ ngày 25/6 đến hết ngày 30/9/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực nút giao Cổ Linh - ngõ 541 Bát Khối (Long Biên, Hà Nội).
Người dân tích cực tố giác vi phạm giao thông qua tin nhắn Zalo Đô thị

Người dân tích cực tố giác vi phạm giao thông qua tin nhắn Zalo

TTTĐ - Hàng trăm tin nhắn tố giác các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được gửi tới lực lượng chức năng qua ứng dụng Zalo nhằm phản ánh về trật tự an toàn giao thông.
Hà Nội sắp có xe buýt hai tầng từ Hồ Gươm đi Bát Tràng Đô thị

Hà Nội sắp có xe buýt hai tầng từ Hồ Gươm đi Bát Tràng

TTTĐ - Theo danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn thành phố Hà Nội mới được UBND thành phố ban hành, sẽ có 136 tuyến xe buýt nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt liền kề; trong đó có thêm tuyến xe buýt city tour số 04 đi Bát Tràng trong năm 2024.
Xem thêm