Dấu ấn về chuyển đổi số trong giáo dục của Yên Bái
Giáo viên và học sinh hào hứng
Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 31 lớp với 1.522 học sinh. Đây là một điểm trường khó khăn của tỉnh Yên Bái song năm học mới này, diện mạo nhà trường trở nên khang trang hơn nhờ tích cực chuyển đổi số.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, thầy Nguyễn Mạnh Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi số của tỉnh và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, 2 năm qua, nhà trường đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học. Cụ thể: Nhà trường đã thực hiện nâng cấp hạ tầng đường truyền, nâng cấp gói mạng Internet phục vụ cho công tác quản lý, triển khai, chỉ đạo thực hiện.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên môn Địa lý ứng dụng CNTT trong dạy học |
Hệ thống máy tính, đường truyền mạng, phòng trực tuyến có đủ thiết bị như: Ti vi thông minh, hệ thống âm thanh, webcam… 31/31 lớp có ti vi thông minh, máy chiếu kết nối Internet, phục vụ cho giảng dạy.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên khai thác nguồn học liệu số trên trang: hoc10.vn; trang hanhtrangso; trang OLM và nguồn học liệu trên cổng thông tin điện tử của nhà trường phục vụ cho công ác giảng dạy, ôn tập, bồi dưỡng hàng ngày một cách hiệu quả. 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hướng dẫn cài đặt tiện ích VNeID; VssID; Yên Bái-S, sổ tay đảng viên điện tử, để khai thác, sử dụng.
Việc triển khai học trực tuyến trong các trường học ở Yên Bái |
Theo thầy hiệu trưởng, đến nay, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề đã xây dựng được kho học liệu số trên cổng thông tin điện tử nhà trường, trong đó, số bài được đưa lên 122 bài giảng. Ngoài ra, học kỳ I, năm học 2023 - 2024, cấp tiểu học đã triển khai, tập huấn cho 100% giáo viên trong việc khai thác, sử dụng phần mềm Plickers vào giảng dạy, bước đầu có 60% giáo viên khai thác hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh học tập; 100% học sinh trong nhà trường được tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kĩ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn, đạt so với chỉ tiêu đề ra.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên môn Địa lý chia sẻ, việc ứng dụng CNTT trong dạy học đã thực sự khiến học sinh thích thú, hào hứng và giáo viên cũng dễ truyền tải một cách sinh động, hiệu quả hơn cho học sinh.
“Đặc biệt, trong công tác quản lý giáo dục, 100% học sinh khối lớp 1 - 4, lớp 6 - 9 có học bạ và sổ điểm điện tử; 100% các đơn vị trường mầm non, phổ thông triển khai thực hiện phần mềm quản lý trường học VNEDU; 100% lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng thành thạo các phần mềm, nền tảng số phục vụ công tác thường xuyên của cá nhân và các phần mềm liên quan đến nhiệm vụ được giao, phụ trách”, thầy Dũng phấn khởi cho biết.
Tăng cường dạy tiếng Anh và Tin học trực tuyến
Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã đạt kết quả cao trong chuyển đổi số.
Đáng kể đến là thành công trong việc dạy và học trực tuyến tiếng Anh. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh còn thiếu đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều ở các huyện, trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; do vậy giải pháp dạy học trực tuyến được ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái quan tâm triển khai thực hiện để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề hào hứng học trực tuyến |
Trước khó khăn đó, tỉnh Yên Bái đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ rất kịp thời, ý nghĩa của UBND TP và ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội. Trong năm học 2023 - 2024, 203 thầy, cô giáo thuộc 122 trường của TP Hà Nội đã tham gia hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cho 17 trường, 168 lớp thuộc 4 huyện (Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên) với trên 2.100 tiết học. Sự chia sẻ đó đã góp phần mang lại những kết quả đáng phấn khởi trong kết quả học tập môn tiếng Anh cấp trung học cơ sở và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của tỉnh.
Dù đã nỗ lực, tích cực đầu tư, song theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, hầu hết hạ tầng mạng vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu về cung cấp mạng hiện nay. Việc tổ chức dạy học trực tuyến đã được triển khai tuy nhiên kết quả đạt được còn chưa sâu, rộng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao Bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023 - 2024 |
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
Các trường trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng quản lý dạy học trực tuyến (LMS), tăng cường tổ chức dạy học trực tuyến đối với cấp phổ thông, hệ giáo dục thường xuyên.
Giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề đón học sinh vào năm học mới |
Ngoài ra, các trường tiếp tục triển khai thực hiện học bạ số đối với cấp tiểu học và cấp trung học theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; kết nối liên thông dữ liệu trong ngành Giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; thực hiện kết nối dữ liệu từ phần mềm quản lý trường học với cơ sở dữ liệu của ngành.
“Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ phát huy tối đa hiệu quả của phần mềm quản lý trường học, phần mềm Voffice ở các cơ sở giáo dục; triển khai rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt ở trường học; triển khai phần mềm tuyển sinh đầu cấp; triển khai mạnh mẽ các ứng dụng, hạ tầng ở các cơ sở giáo dục”, ông Tuấn cho biết.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, các nhà trường trên địa bàn đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Hiện nay, 10.520 giáo viên (98,4%) có ứng dụng chuyển đổi số nhằm đổi mới phương pháp dạy học. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học môn Tin học đã được quan tâm; 190 trường có đủ phòng máy tính theo quy định để tổ chức dạy học, đạt 72%; 100% các trường học đã có mạng internet cáp quang phục vụ hoạt động quản lý, dạy học; nhiều trường học có từ 2 - 4 đường truyền (trong đó có 1 đường truyền miễn phí theo chương trình dịch vụ viễn thông công ích). |