Lễ hội Gầu Tào là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đắm say xòe Thái Mường Lò Hà Nội có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đưa Lễ Xên Đông thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Theo truyền thống, Lễ hội Gầu Tào ở Yên Bái được tổ chức vào dịp đầu năm mới để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Các hoạt động nhằm bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Mông tiến tới xây dựng nền văn hóa địa phương tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, Lễ hội Gầu Tào được cộng đồng dân tộc Mông ở Yên Bái tổ chức gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ được thực hiện theo phong tục dân tộc Mông. Nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất trong lễ hội Gầu Tào chính là lễ dựng cây nêu với nội dung tổ chức lễ tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã cho đồng bào địa phương một năm có nhiều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho mọi người một năm mới nhiều may mắn.
Ở phần hội là hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: Kéo co, đẩy gậy, đánh quay, bắn nỏ, lẩy pao, đánh cầu lông gà và các trò chơi dân gian khác của dân tộc Mông với không khí tưng bừng phấn khởi, thắm tình đoàn kết.
Lễ hội Gầu Tào được tổ chức hàng năm là dịp để đồng bào Mông gắn tình đoàn kết trong cộng đồng thôn bản và gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc bao đời nay. Lễ hội này mang đậm nét bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Mông, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần của người Mông ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.
Cúng cây nêu là một nét đặc sắc của Lễ hội Gầu Tào |
Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đang nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cùng với duy trì các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông để thu hút du khách, trong đó có Lễ hội Gầu Tào.
Việc Lễ hội Gầu Tào của người Mông tỉnh Yên Bái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của không chỉ với người Mông, mà còn là của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Yên Bái.
Đây là cơ hội để cộng đồng người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn tích cực gìn giữ, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển du lịch tại các địa phương có di sản nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.