Đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng lắp camera giám sát: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong xử lý vi phạm giao thông
Lo ngại tiếp xúc đông người, ngồi nhà nộp tiền phạt
Để đáp ứng nhu cầu thanh toán, nộp phạt xử lý vi phạm giao thông đường bộ online, nhất là không phải đợi chờ lâu, lo ngại khi ra nơi đông người, người dân có thể thực hiện thanh toán, nộp phạt trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia.
Khi quan sát “vắng bóng” lực lượng chức năng, anh N.V.C (sinh năm 1996 ở Ba Vì, Hà Nội) đã đỗ xe ô tô ở khu vực có biển “cấm dừng đỗ phương tiện”.
Ít ngày sau, anh C nhận được thông báo của lực lượng chức năng về vi phạm của mình và mời lên cơ quan CSGT để làm việc.
Anh C được cán bộ Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) hướng dẫn có thể chọn hình thức nộp phạt vi phạm giao thông vào Kho bạc trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia và lựa chọn giấy tờ liên quan (bị tạm giữ hoặc tước) tại đơn vị CSGT lập biên bản hoặc đăng ký nhận giấy tờ tại nhà qua dịch vụ chuyển phát của Bưu điện.
Theo đó, để thực hiện được việc nộp phạt trực tuyến vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, anh C cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng dịch vụ Công Quốc gia, truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html và thực hiện theo hướng dẫn trên cổng.
Anh C chia sẻ: “Tôi lần đầu đi vào khu vực này, nên chưa kịp quan sát biển báo. Tôi chấp nhận nộp phạt thôi nhưng rất may là những người vi phạm như tôi có thể nộp phạt qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia. Nếu như những lần trước, quy trình nộp phạt sẽ khiến nhiều người dân gặp khó khi thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nay ngồi nhà cũng có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Điều này thật sự thuận lợi cho tôi, vì đường xá nội thành tôi không rành, công việc lại bận rộn, dịch dã tôi cũng không muốn ra những nơi đông người…”.
Anh C cũng như rất nhiều người dân khác đã nhận thấy được lợi ích rõ ràng từ việc triển khai, thực hiện nộp phạt gián tiếp cho Kho bạc khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia.
Camera giám sát tự động - tai mắt của lực lượng chức năng
Ngày 3/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”, thực hiện từ năm 2021 đến 2025.
Theo Quyết định số 165/QĐ-TTg, Đề án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đề án này được phê duyệt nhằm nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông, xây dựng hệ thống quản lý điều hành, kết nối các hệ thống camera giám sát phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc; Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; Trong đó có loại thông tin, dữ liệu thu thập, khả năng kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dùng chung... Xây dựng hành lang pháp lý trong việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ qua hình ảnh.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông... Nâng cao năng lực giám sát, quản lý điều hành giao thông và an ninh trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân; Cung cấp cho người dân, người tham gia giao thông các dịch vụ giao thông thông minh và các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Phóng viên có dịp ghi nhận tại Trung tâm chỉ huy giao thông và điều khiển tín hiệu đèn giao thông tại Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội những ngày Hà Nội trở về trạng thái “bình thường mới”. Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội được nâng cấp để phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm trên địa bàn là một trong 3 dự án của Đề án Đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng lắp camera giám sát.
Cán bộ CSGT giám sát trật tự an toàn giao thông tại Trung tâm chỉ huy giao thông và điều khiển tín hiệu đèn giao thông (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) |
Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Địa bàn TP Hà Nội có mật độ phương tiện đông đúc, vì vậy, lực lượng chức năng không thể phát hiện để giải quyết hết những vi phạm khi người dân tham gia giao thông không chấp hành quy định của pháp luật. Vì thế, hệ thống camera giám sát tự động được đầu tư trong đề án hơn 2.000 tỷ đồng trở thành tai mắt của lực lượng chức năng. CSGT sẽ in thông báo vi phạm từ hình ảnh camera ghi nhận và gửi thông báo cho chủ xe”.
Theo quy trình, khi chủ xe đến cơ quan CSGT làm việc sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi nhận quyết định, người vi phạm có thể nộp tiền trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng được Kho bạc uỷ quyền thu tiền nộp phạt. Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân, CSGT khuyến khích người dân nộp phạt trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia.
Anh N.H.C (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nhận được thông báo bị xử phạt do một lần vượt đèn đỏ ở ngã tư không được phép rẽ phải. Sau đó, khi đến cơ quan CSGT, tôi được cung cấp thông tin, hình ảnh do camera ghi nhận được và hướng dẫn có thể nộp phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này tôi rất đồng tình, vì tình hình dịch dã đang phức tạp, với lại tôi không thích phải chờ đợi lâu, nên tôi đã đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng dịch vụ Công Quốc gia, truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html và thực hiện theo hướng dẫn”.
Thực tế trên có thể thấy, việc nộp phạt trực tuyến sẽ giúp minh bạch, tiết kiệm công sức và tiền của Nhà nước và người dân rất lớn. Vì thế, sau một thời gian triển khai thí điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận thì từ 1/7/2020 việc nộp phạt trực tuyến được áp dụng trong toàn quốc. Cổng dịch vụ Công Quốc gia cũng ghi nhận số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này tương đối lớn.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021