Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai
Toàn cảnh hội thảo "Ứng dụng khoa học - công nghệ trong, phòng chống thiên tai”
Bài liên quan
Khắc phục sự cố công trình thủy điện Đắk Kar, Đắk Sin 1
Bão số 3 làm 3 người thương vong, 11 người mất liên lạc ở Thanh Hóa và Bắc Kạn
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp hậu quả mưa lũ do bão số 3 gây ra
Bão số 3 khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đổ, xuất hiện lũ ống cuốn 17 người ở Thanh Hóa
Trong các năm qua, Chính phủ luôn nỗ lực đảm bảo khoảng 1,5% tổng chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ. Nhờ đó, đã có nhiều vật liệu, công nghệ mới được ứng dụng trong hệ thống đê, kè ven sông, ven biển thích ứng với thực trạng biến đổi khí hậu phức tạp.
Tuy nhiên, do tiềm lực khoa học - công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế nên công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai ở Việt Nam hiện còn thấp. Vì vậy, rất cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Đặc biệt là huy động sự tham gia của doanh nghiệp khoa học - công nghệ và cộng đồng để duy tu bảo dưỡng các công trình.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động đến sự phát triển bền vững đất nước. Với tiềm lực khoa học - công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế nhưng các nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đã góp phần giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội thảo |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Ứng dụng khoa học - công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp gắn với ứng dụng với khoa học - công nghệ và phải tận dụng thành tựu của loài người về khoa học - công nghệ”.
Tại hội buổi hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống thiên tai. Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Quan hệ quốc tế (Tổng cục Phòng chống, thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cảnh báo, dự báo, giám sát thiên tai. Tuy nhiên giải pháp công nghệ cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai, đê điều, sạt lở, bản đồ ngập lụt, ảnh vệ tinh, công cụ quản lý và vận hành hồ chứa thời gian thực. Các giải pháp về công nghệ trong công trình phòng, chống thiên tai cần chú ý như: sử dụng các bao lớn để tăng cao trình đỉnh đê, túi đựng đá, kè bằng thảm vữa xi măng túi khuôn, vải địa kỹ thuật cho công trình xói lở bờ biển, làm đập ngăn mặn trữ nước ngọt...
Các đại biểu lắng nghe tham luận tại buổi hội thảo |
Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ trong công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai, Tổng cục Phòng chống, thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Việc ứng dụng tập trung vào sử dụng mạng xã hội Facebook, ứng dụng trên điện thoại thông minh (APP), sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (E-LEARNING), truyền thông bằng hình ảnh trực quan. Việc sử dụng khoa học - công nghệ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được Tổng cục Phòng, chống thiên tai đầu tư và quan tâm. Hiện nay, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang rà soát và xây dựng lại các tài liệu hướng dẫn theo hướng trực quan dưới dạng các Video clip sử dụng đồ họa 3D.
Hầu hết các tham luận tại hội thảo đều khẳng định sự cần thiết của việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng chống thiên tai. Các đại biểu cho rằng, ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện, khoa học cũng như điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới. Sự tỉ mỉ, cặn kẽ và chuẩn xác trong công tác nghiên cứu sẽ góp phần đưa ra các giải pháp toàn diện, phù hợp mà mang lại hiệu quả cao; tạo những tiền đề tích cực trong công tác đối phó với biến đổi khí hậu vốn được dự báo là vô cùng khó khăn trong thời gian tới…
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến hệ thống thử nghiệm cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu cực thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái; công nghệ cảnh báo sớm lũ bùn đá tại Bản Khoang (Sapa, tỉnh Lào Cai), ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đê điều và giới thiệu về tuyến đê kiểu mẫu, ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý xói lở bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, quản lý vận hành hồ chứa theo thời gian thực...
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019